Phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn đừng chỉ nhìn vào bất động sản

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đó là ý kiến phát biểu của TS Nguyễn Thị Hậu - Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử TP Hồ Chí Minh, tại Tọa đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn” do Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tổ chức sáng 12/12.

Toạ đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn” với sự tham dự của lãnh đạo Sở, ngành, địa phương và đại diện nhiều doanh nghiệp. (Ảnh: BTC)
Toạ đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn” với sự tham dự của lãnh đạo Sở, ngành, địa phương và đại diện nhiều doanh nghiệp. (Ảnh: BTC)

Đồng bộ hạ tầng đường thủy để du lịch sông nước phát triển

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, sông Sài Gòn là biểu tượng và là tài sản vô giá của TP Hồ Chí Minh nhưng lâu nay việc khai thác tiềm năng du lịch dọc con sông này còn rất hạn chế, đặc biệt là phát triển du lịch, kinh tế ven sông, du thuyền...

"Chúng ta không nên chỉ nhìn vào hai bên bờ sông để phát triển bất động sản mà cần nhìn rộng về các lợi ích dọc bờ sông. Khi đó, phát triển không gian dọc bờ sông sẽ tạo được một không gian phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ hiện đại mà không tách rời khỏi nét đẹp văn hóa, bản sắc sông Sài Gòn” - TS Nguyễn Thị Hậu nói và nhấn mạnh.

“Tôi biết có rất nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh tâm huyết, sẵn sàng phát triển du lịch đường sông, gắn chặt với lợi ích cộng đồng. Trường hợp chúng ta phát triển du lịch đường sông và cả giao thông đường thủy sẽ hình thành hệ thống các dịch vụ ven bờ sông, bến bãi, nhà chờ... tất cả sẽ được phát triển gắn chặt với đường sông Sài Gòn nói riêng và TP Hồ Chí Minh nói chung” - TS Nguyễn Thị Hậu nói thêm.

TS Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh, phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn đừng chỉ chăm chăm vào bất động sản, thay vào đó phải chú trọng lợi ích cộng đồng. Ảnh: BTC
TS Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh, phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn đừng chỉ chăm chăm vào bất động sản, thay vào đó phải chú trọng lợi ích cộng đồng. Ảnh: BTC

Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý, việc phát triển du thuyền, kinh tế ven sông của TP phải quan tâm đến sự thuận lợi cho cư dân TP. Bà lấy dẫn chứng vùng Bangkok của Thái Lan, việc phát triển giao thông thủy trước hết phục vụ cho người dân, sau đó mới nâng lên phục vụ du lịch. Tương tự là du lịch trên sông Saine - thủ đô Paris (Pháp) và thành phố có thể học được, áp dụng cho khu Chợ Lớn trước.

Một khúc sông Sài Gòn về đêm. Ảnh: Hà Nam
Một khúc sông Sài Gòn về đêm. Ảnh: Hà Nam

Vận dụng Nghị quyết 98 gỡ vướng hạ tầng du lịch

Trong khuôn khổ toạ đàm, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, tiềm năng phát triển du lịch thủy của TP còn rất lớn, tuy nhiên để đảm bảo phục vụ tốt du khách, TP cần đầu tư cơ sở hạ tầng như bến tàu, cảng đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, có cơ chế chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia xã hội hóa đầu tư các bến tàu du lịch, xây dựng các khu vực nhà chờ, nhà vệ sinh… phục vụ khách du lịch.

Song song đó là đa dạng các tuyến sản phẩm du lịch tầm ngắn, tầm trung, tầm xa qua việc thêm các loại hình dịch vụ trải nghiệm tại các điểm đến, trên phương tiện thủy. Cụ thể như hoạt động chèo Sup, thưởng thức các hoạt động nghệ thuật (đờn ca tài tử), nhạc nước và kết hợp nhiều phương tiện cho du khách trải nghiệm như đi tàu, đi xe buýt 2 tầng, xe đạp…

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ phối hợp kêu gọi đầu tư các tuyến - điểm để trở thành chuỗi sản phẩm du lịch trong thời gian tới. Ảnh: BTC
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ phối hợp kêu gọi đầu tư các tuyến - điểm để trở thành chuỗi sản phẩm du lịch trong thời gian tới. Ảnh: BTC

Theo kế hoạch, Sở Du lịch sẽ đưa thêm ba tuyến du lịch mới vào là tuyến ngắn dưới 10km, Bạch Đằng đi Thanh Đa kết hợp ẩm thực về đêm. Tuyến tầm trung khai thác tuyến đi Cần Giờ, Vàm Sát, Đầm Dơi, khu Thiềng Liềng; Bạch Đằng đi Củ Chi gắn với Bến Đình, địa đạo Củ Chi. Tuyến tầm xa kết nối về Long An, Tiền Giang, Bến Tre, nước Campuchia... có năm doanh nghiệp đang khai thác. 

Kinh doanh nhà hàng trên tàu tại cảng Bến Nghé trên sông Sài Gòn. Ảnh: Hà Nam
Kinh doanh nhà hàng trên tàu tại cảng Bến Nghé trên sông Sài Gòn. Ảnh: Hà Nam

Về hạ tầng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hòa An cho biết, hiện quỹ đất và hành lang ven và trên kênh rạch phục vụ khai thác du lịch còn hạn chế, trong khi, hạ tầng như bến đón trả khách, các bến neo đậu tàu thuyền… thiếu và chưa đồng bộ.

Tại Tọa đàm, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng TP cần có cơ chế để doanh nghiệp cùng chung tay xã hội hóa các bến tàu, trên cơ sở đó mới phát triển các tuyến du lịch thủy.

 

Theo thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, TP hiện có 123 phương tiện thủy đang hoạt động, gồm 43 tàu nhà hàng, tàu lưu trú, du thuyền và 80 ca nô, tàu gỗ nhỏ. Lượng khách du lịch bằng đường thủy đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng của du lịch TP.

‎Số lượng khách du lịch đường thủy đến TP năm 2023 và 2024 đạt khoảng 500 ngàn lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.

Dự kiến, doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Số lượng khách quốc tế đến thành phố bằng đường tàu biển trong năm 2023 và 2024 đạt khoảng 100 ngàn lượt khách và tăng khoảng 12% – 15% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch từ tàu biển năm 2023 và 2024 đạt 500  tỷđồng/năm và tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo.