Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, người dân

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 16/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).

Hội nghị còn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, các chuyên gia, tổ chức, hiệp hội và trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, TP.

Phát triển chưa đồng đều

Trình bài báo cáo tóm tắt về công tác phát triển NƠXH trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua Chính phủ đã hoàn thiện xây dựng các dự án luật với những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH, cụ thể như: Miễn tiền sử dụng, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá, tính tiền sử dụng, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng, tiền thuê đất; Được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp;

Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy NƠXH đã bàn về những giải pháp để phát triển NƠXH trong thời gian tới.
Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy NƠXH đã bàn về những giải pháp để phát triển NƠXH trong thời gian tới.

Đồng thời, được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại; Được hạch toán riêng, không phải tính chi phí đầu tư xây dựng phần công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại này vào giá thành nhà ở xã hội; Vay vốn với lãi suất ưu đãi...Theo đó, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611 ha làm NƠXH, như vậy so với báo cáo năm 2020 (3.359ha) thì diện tích đất phát triển NƠXH đến nay đã tăng thêm 5.252 ha.

“Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về NƠXH rất lớn, nhưng việc đầu tư còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025. Hà Nội 3 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; TP Hồ Chí Minh 7 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%...; hoặc một số địa phương không có dự án NƠXH khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, như: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng...” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2024 cả nước phải hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ NƠXH. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển NƠXH, nhưng thực tế theo đánh giá từ phía các doanh nghiệp, quá trình triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, theo Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup Nguyễn Việt Quang, thời gian quan Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển NƠXH, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia và phát triển NƠXH. Nhiều dự án được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ khách hàng, cá nhân vay, mua, thuê NƠXH.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển NƠXH đã được các doanh nghiệp, chuyên gia kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển NƠXH đã được các doanh nghiệp, chuyên gia kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ.

“Nhưng thủ tục thực hiện dự án, số lượng thủ tục NƠXH hiện nay đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại; chính sách hỗ trợ đối với việc đầu tư xây dựng các công trình hạng mục thương mại, dịch vụ trong dự án NƠXH chưa rõ ràng; Xuất vốn đầu tư theo Quyết định 610/QĐ-BSĐ ngày 13/2/2022 hiện đang thấp hơn so với xuất vốn đầu tư cho nhà ở thương mại, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình NƠXH và khó khăn về doanh thu cho nhà đầu tư dự án NƠXH do việc xác định giá bán phải dựa trên cơ sở xuất vốn đầu tư” – ông Nguyễn Việt Quang nói.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân  Trương Anh Tuấn  thì cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp tham gia đầu tư NƠXH đang rất cần nguồn “vốn mồi” từ Nhà nước. Trước đây Chính phủ đã triển khai gói tài chính 30.000 tỷ đồng đạt được nhiều kết quả tích cực, hiện nay đang triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, nhưng chưa có sự đồng bộ thời gian vay giữa chủ đầu tư và khách hàng. Khách hàng thì được vay 5 năm nhưng chủ đầu tư chỉ có vay 3 năm, nhiều ngân hàng đề nghị chủ đầu tư phải bảo lãnh cho khách hàng khi vay vốn mua NƠXH. Như vậy, nếu khách hàng là 5 năm thì chủ đầu tư phải được vay 5 năm.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ có thể nghiên cứu dành ra một khoản từ 1 – 2% bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại. Như vậy nếu 1% thì mỗi năm là 1.200 tỉ đồng, nếu bù 2% là mỗi năm 2400 tỉ đồng. Như vậy khi có việc bù lãi suất 1 - 2% của Chính phủ, chương trình này chắc chắn sẽ thành công và nó mạnh hơn gói 120.000 tỷ đồng như hiện nay” – ông Trương Anh Tuấn  kiến nghị.

Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera Trần Ngọc Anh cho biết, qua thực tế triển khai đến nay, doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn trong việc kinh doanh NƠXH này do các quy định còn hạn chế về đối tượng cũng như điều kiện thuê mua. Vì vậy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho áp dụng Luật Nhà ở sửa đổi và ban hành Nghị định về NƠXH theo hướng tháo gỡ, mở rộng đối tượng được mua, được thuê với điều kiện đơn giản, dễ thực hiện để người nghèo sớm tiếp cận được với các sản phẩm NƠXH...

Phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của toàn xã hội

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong công tác phát triển NƠXH thời gian gần đây. Tuy nhiên, công tác phát triển NƠXH vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đặt ra và còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều địa phương chưa có quỹ đất sạch để phát triển NƠXH; Nhiều dự án được cấp cho nhà đầu tư yếu kém về năng lực nên việc triển khai chậm trễ; Thời gian triển khai xây dựng 1 dự án NƠXH kéo dài dẫn tới việc thiếu hấp dẫn nguồn lực xã hội hóa tham gia; Nhiều tỉnh, TP tập trung nhiều khu công nghiệp nhưng số lượng NƠXH còn ít, thậm chí chưa có.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, phải coi công tác phát triển NƠXH giống như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, bảo đảm điện nước, nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán... NƠXH ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua.

“Phát triển NƠXH, nhà ở công nhân là nội dung quan trọng của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển NƠXH, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Tinh thần là "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần" – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương nhằm triển khai hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH giai đoạn 2021-2030". Đồng thời đề nghị, tất cả các chủ thể liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải phát huy hết khả năng, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao nhất, chủ động, sáng tạo, kịp thời, cộng với trách nhiệm, đạo đức xã hội để thực hiện các công việc cho tốt, chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển NƠXH đúng nghĩa.