Phát triển nông nghiệp bền vững: Cơ sở để giảm nghèo cho nông dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để giúp người dân nông thôn thoát nghèo, cần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường và đẩy mạnh mô hình sản xuất nông hộ một cách bền vững.

Đó là thông điệp được hơn 150 đại biểu đại diện cho các tổ chức nông dân quốc tế đưa ra tại Hội nghị tư vấn các tổ chức dân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức trong hai ngày 10 - 11/3 tại Hà Nội.
 
Thách thức đói nghèo

Theo Mạng lưới An ninh lương thực và Giảm nghèo (CIFPEN), hiện nay xu hướng sử dụng thâm canh theo quy mô lớn đòi hỏi đầu tư cao trong nông nghiệp toàn cầu đang gây ra sự mất cân bằng. Đó là tình trạng tăng sản lượng trước mắt của một loại nông sản nhất định nhưng lại làm tổn hại lâu dài đến các hệ thống sản xuất nông nghiệp khác như canh tác hộ, chăn nuôi, thủy sản… Hậu quả của xu thế này là loại bỏ sự đa dạng của hệ thống nông nghiệp và sự phát triển không đồng đều trên thế giới. Trong đó một bộ phận không nhỏ người nông dân rơi vào tình trạng đói nghèo, chịu tác động xấu của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ông Hiroyuki Konuma, Trợ lý Tổng Giám đốc, đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) ở châu Á cũng chỉ ra rằng, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn của các nước trong khu vực đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình trạng nông dân mất đất sản xuất, sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sản xuất kém bền vững, giá cả gia tăng… Tình trạng đó dẫn tới hơn 1 tỷ người trên thế giới đang còn thiếu đói.

Tại Việt Nam, mặc dù tăng trưởng của ngành nông nghiệp và việc giảm nghèo ở khu vực nông thôn đã có kết quả khá tốt trong những năm qua, song trước mắt vẫn còn rất nhiều thách thức. Hầu hết các công nghệ và giống mới được đưa vào ứng dụng đều đòi hỏi đầu tư cao. Sự phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố đầu vào ngày càng gây khó khăn và áp lực cho người nông dân. Hiệu quả canh tác của đại bộ phận các hộ gia đình nghèo, nông dân sản xuất quy mô nhỏ còn thấp. Chất lượng đất canh tác, nguồn nước ở nhiều địa phương ngày càng giảm sút. Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, lực lượng nông dân chiếm tới hơn 70% dân số và trên 50% lực lượng lao động của cả nước. Tuy nhiên, điều kiện sống của nông dân, nhất là vùng sâu, miền núi, đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn.

Nâng hiệu quả sản xuất

Trước thực trạng đáng lo ngại đó, hầu hết đại biểu đều cho rằng cần thiết phải xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả hơn cho các hộ nông dân. Một số mô hình sản xuất phù hợp với quy mô hộ gia đình, cần nguồn vốn thấp nhưng hiệu quả cao được giới thiệu như: Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, nông nghiệp hữu cơ, nuôi ong lấy mật, hầm biogas trong chăn nuôi, mô hình VAC… Ông Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ, các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ ở nông thôn có thể lựa chọn, áp dụng các mô hình này để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm bớt khó khăn và bảo vệ được môi trường.

Điều đáng ghi nhận là tại hội nghị, có hai mô hình nông nghiệp bền vững của Hà Nội được giới thiệu tới bạn bè quốc tế. Đó là mô hình sản xuất rau hữu cơ và nuôi giun quế. Trong đó mô hình rau hữu cơ do Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân TP Hà Nội phối hợp với Dự án phát triển nông nghiệp châu Á của Đan Mạch (ADDA) triển khai tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Đến nay, toàn xã đã phát triển được 8 nhóm sản xuất rau hữu cơ với trên 60 thành viên, diện tích gần 5ha. Hiện, mỗi tháng mô hình cung cấp từ 18 - 20 tấn rau củ quả hữu cơ cho địa bàn Hà Nội với giá bán bình quân cao hơn rau thường là 7000 - 8000 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập trung bình của các thành viên đạt 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng. Mô hình nuôi giun quế được triển khai tại xã Võng La, huyện Đông Anh với diện tích trên 1.000m², xử lý 2 - 3 tấn phân gia súc mỗi ngày và cho thu nhập bình quân 100.000 đồng/người/ngày. Đây đều là những mô hình nông nghiệp có hiệu quả nhưng lại thân thiện với môi trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giúp nhiều hộ nông dân tiếp cận được với những mô hình sản xuất này, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ và tăng cường tập huấn kỹ thuật cho họ. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng FAO và các nước hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ giảm tỷ lệ người nghèo đói trên thế giới xuống còn một nửa vào năm 2015. Ông Thắng cũng kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, FAO đối với quá trình giảm nghèo của Việt Nam.