Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Cốt lõi là chính sách thu hút đầu tư

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khó có thể phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả bền vững nếu không được tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản hiện tại. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần có thêm chính sách, cơ chế thu hút đầu tư hấp dẫn trong lĩnh vực này.

Những trái ngọt từ nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và kinh doanh nông sản. Nhờ đó, đến nay toàn thành phố có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

Trong đó, 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình ở lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt - chăn nuôi. Những mô hình nông nghiệp CNC tập trung nhiều ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

Mô hình trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Trọng Tùng
Mô hình trồng hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Trọng Tùng

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, thời gian tới, Hà Nội đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp CNC để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, để tạo đột phá nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho DN về tín dụng, mặt bằng, xúc tiến thương mại... tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Lâm Đồng là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng trong phát triển nông nghiệp. Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh đạt 62.000ha với giá trị sản xuất bình quân 180 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, diện tích rau ứng dụng CNC đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, sản xuất hoa đạt 800 triệu - 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện đã có 20 sản phẩm nông nghiệp được công nhận nhãn hiệu chứng nhận và 14 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Cốt lõi là chính sách thu hút đầu tư - Ảnh 1Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh : Minh Hậu

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu chia sẻ: Thông qua các hoạt động hợp tác, nhiều nhà đầu tư của các tỉnh đã đến Lâm Đồng tìm hiểu và triển khai các dự án nông nghiệp CNC. Nhiều doanh nghiệp của tỉnh được kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh bạn và với các siêu thị lớn, các chợ đầu mối phân phối nông sản để hình thành những chuỗi nông sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Qua đó, tạo được sự phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách

Thực tế phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đã nổi lên nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Đơn cử như tại Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Manh Quyền cho biết: Ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp cần kinh phí rất lớn để xây dựng hạ tầng, sản xuất, đào tạo nhân lực, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, ruộng đất quy mô nhỏ lẻ cũng gây cản trở cho đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung. Chưa kể, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp CNC còn hạn hẹp, không ổn định.

Còn theo ông Nguyễn Văn Châu, mặc dù tỉnh Lâm Đồng đã quy hoạch nhiều khu sản xuất nông nghiệp CNC tập trung nhưng theo cơ chế sử dụng đất hiện nay thì các doanh nghiệp phải tự thỏa thuận đền bù với người dân trong khi giá đất nông nghiệp trên địa bàn cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước nên gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án cũng chính vì thế tăng cao và đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp bị chậm lại.

Khuyến nghị về giải pháp tháo gỡ, nhiều chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần quan tâm đến những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp CNC về nguồn vốn, tập trung đất đai theo nguyên tắc thị trường, đào tạo nhân lực, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính…

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục dành nguồn lực, tạo điều kiện cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường. Chú trọng công tác tổ chức và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản ở cả trong và ngoài nước. Trong đó, nông sản sản xuất từ CNC là một lợi thế để Việt Nam nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam.

 

Đẩy mạnh ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm sinh kế và gia tăng thu nhập cho nông dân, góp phần vào tăng trưởng kinh tế nói chung là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là làm thế nào để tháo gỡ được những điểm nghẽn, rào cản về cơ chế, chính sách, qua đó củng cố niềm tin cho nhà đầu tư (bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân…).

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan