Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Vẫn đói vốn, khát quỹ đất

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu nhưng do đất đai manh mún, tư duy sản xuất nhỏ lẻ nên việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) ở Việt Nam đang đối mặt với không ít rào cản.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ngọc Ánh
Nhiều rào cản
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nhiều mô hình trồng hoa, rau trong nhà màng, nhà kính mang lại giá trị kinh tế cao. Đơn cử đối với cây rau, doanh thu đạt từ 2,5 - 6 tỷ đồng/ha/năm; hoa, cây cảnh từ 0,5 - 5 tỷ đồng/ha/năm; nuôi tôm thẻ chân trắng năng suất đạt 40 tấn/ha, gấp 40 lần so với sản xuất đại trà… Đến nay, cả nước có 30 DN, trang trại ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.
Để DN yên tâm khi đầu tư vào nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, các địa phương khi phê duyệt các dự án đầu tư cần bảo đảm quỹ đất sạch bàn giao cho DN.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH Ngô Minh Hải

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, do đất đai manh mún, cả nước hiện có 75 triệu thửa ruộng, thuộc sở hữu của hơn 9 triệu hộ gia đình nên DN khó đầu tư áp dụng CNC để thực hiện cơ giới hóa và tự động hóa. Hiện nay, để đầu tư một hécta nhà kính hoàn chỉnh có kiểm soát tự động theo công nghệ của Israel thì cần ít nhất từ 10 - 15 tỷ đồng, đầu tư cho một trang trại chăn nuôi quy mô trung bình khoảng 150 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, TP đã tập trung xây dựng 123 mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC. Trong đó, một số mô hình trồng rau hữu cơ cho thu nhập từ 2 - 3 tỷ đồng/ha/năm, trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập từ 0,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, TP chưa có các khu, vùng sản xuất nông nghiệp CNC mà vẫn chỉ dừng ở các mô hình nên chưa phát huy hết tiềm năng. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, toàn TP mới chỉ có gần 1.500ha sản xuất nông nghiệp CNC, trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên đến 150.000ha. Nguyên nhân là do vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng rất lớn, DN chưa mặn mà để đầu tư vào nông nghiệp CNC, nông dân chưa quen với việc sử dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Để tháo gỡ những rào cản, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung phát triển nguồn nhân lực nhằm tạo đột phá cho nông nghiệp CNC với lộ trình phù hợp. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trong các khu, vùng nông nghiệp CNC. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu xây dựng cơ chế riêng cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng đối với các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp CNC, giúp DN tiếp cận vốn một cách thuận lợi nhất. “Về phía DN, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác, phù hợp với vùng sinh thái và quy mô sản xuất để có mô hình nông nghiệp CNC quy mô lớn, tạo ra nhiều nông sản độc đáo, bảo đảm an toàn thực phẩm” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Đối với Hà Nội, TP đặt mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó sẽ có 600ha trồng rau, hoa, 460ha trồng cây ăn quả... Theo ông Chu Phú Mỹ, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, đất đai thì nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt. Vì vậy, các trường đại học, viện nghiên cứu cần đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận các công nghệ mới theo xu thế; tạo ra các công nghệ mới có tính ứng dụng cao phục vụ nông nghiệp CNC.

Nhiều chuyên gia nhận định, ứng dụng nông nghiệp CNC là một giải pháp cấp bách để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao chất lượng nông sản. Việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp còn góp phần giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, sâu bệnh, lại an toàn với môi trường, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Vì thế, làm tốt nhiệm vụ này sẽ là đòn bẩy thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững ở tất cả các địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần