Phát triển thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng: Dịch vụ đi kèm an ninh đồng bộ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TS. Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ quan điểm tại Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng” do NHNN tổ chức sáng 24/8.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Thủy.
Đề án 241/QĐ-TTG, Chính phủ xác định rõ mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020 đạt được 80% giao dịch nộp thuế tại các TP trực thuộc T.Ư, trực thuộc tỉnh được thực hiện qua ngân hàng; 70% công ty điện lực, công ty nước chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện, nước qua ngân hàng. 50% cá nhân, hộ gia đình ở các TP lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng; đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí: 100% trường đại học, cao đẳng và 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng; 50% bệnh viện tại các TP lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng; và 20% số tiền chi trả an sinh xã hội thực hiện qua ngân hàng…
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, đến nay đã có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thuế điện tử với Thuế, Hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, TP; 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh, TP; 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí; 6 ngân hàng thu hộ viên phí và 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh thanh toán dịch vụ theo phương thức truyền thống, còn có nhiều phương thức mới, hiện đại, dễ sử dụng cho khách hàng dễ lựa chọn như dịch vụ trích nợ tự động, thanh toán thẻ, giao dịch tại ATM, POS, sử dụng internet banking, mobile banking, ví điện tử… Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng hiện nay vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Việc thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn, phạm vi chủ yếu vẫn là các tổ chức, DN, hoặc các tỉnh TP lớn, điều kiện kinh tế phát triển. Thêm vào đó tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, người lao động phổ thông, người khó khăn về sức khỏe cùng với tâm lý e ngại vấn đề đảm bảo an ninh an toàn khi thanh toán điện tử. Mục tiêu đưa tỷ lệ này xuống còn 10% đến cuối năm 2020, và xuống còn 8% cuối năm 2025 không phải là một mục tiêu dễ dàng và đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của không chỉ ngành ngân hàng mà các bộ ngành liên quan phối hợp thực hiện.

NHNN đã đưa ra một số giải pháp, đó là tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán; triển khai các hình thức hiện đại phục vụ cho việc thu phí. Nâng cấp và đồng bộ hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu về thu nộp ngân sách giữa các đơn vị như: Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước để áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu.

TS. Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, ngành ngân hàng thời gian qua đã chú trọng công tác an ninh, đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao khả năng tiếp cận của người dân… Tuy nhiên, trước thực tế phát triển mạnh mẽ của CNTT trên thế giới, tôi phạm sử dụng công nghệ cao, ngành ngân hàng cần tiếp tục cập nhật áp dụng các biện pháp tiên tiến đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống thanh toán, đồng thời tăng cường giám sát của cơ quan quản lý. NHNN cần quyết liệt đẩy mạnh chỉ đạo hoạt động kiểm tra rà soát máy thanh toán, chủ động theo dõi và xử lý kịp thời những vướng mắc, sai sót đồng thời có biện pháp khuyến cáo, hướng dẫn khách hàng phòng chống các rủi ro, thủ đoạn gian lận.