Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng bên lề hội thảo “Một số hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ngành NN&PTNT trong bối cảnh thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH” tổ chức ngày 15/6.Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tác động của việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội tới công tác ứng phó với thiên tai?- Có thể nói sự phát triển thiếu bền vững của đời sống kinh tế - xã hội cũng làm gia tăng thiên tai, chẳng hạn như nạn khai thác cát gây sạt lở ở vùng sông Tiền, sông Hậu, ven biển miền Trung. Bên cạnh đó, việc phát triển thượng nguồn cả trong nước và ngoài nước như công trình thủy lợi, thủy điện một mặt mang lại nguồn lợi kinh tế nhưng một mặt lại làm suy giảm lượng bùn cát. Đây là nguyên nhân lớn dẫn tới phát triển không bền vững ở các vùng đồng bằng, thậm chí có chuyên gia đã đặt vấn đề tan rã của vùng đồng bằng. Ngoài ra, tình trạng sử dụng quá mức tài nguyên đất, đặc biệt là ở các vùng đất ngập nước gây ngập úng đô thị và tác động đến hạn, mặn ở vùng nông thôn.Những năm gần đây, thiên tai có cường độ cao như mưa cực lớn, bão lớn xuất hiện dày hơn, thời gian xuất hiện cũng biến đổi. Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) thể hiện nước biển dâng, cực đoan, bất lợi hơn.
Theo Thứ trưởng, việc xây dựng nhiều hệ thống công trình thủy điện trên thượng nguồn Mê Kông đã tác động như thế nào tới công tác phòng chống thiên tai ở nước ta?- Phát triển thượng nguồn Mê Kông có tác động rất lớn mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa đánh giá hết được. Trước hết là làm suy giảm mạnh lượng bùn cát trong những năm qua, theo đánh giá có thể hiện nay đã giảm gần 50% và có thể chỉ còn 30 – 35% trong tương lai, cả ở dòng chính và dòng nhánh. Việc suy giảm phù sa, dinh dưỡng đã tác động đến đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình ở thượng nguồn cũng làm thay đổi quy luật dòng chảy, mặn đến sớm hơn. Trước đây, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long thường đến vào cuối tháng Hai nhưng nay có thể đến vào giữa tháng 12 năm trước do tích nước ở thượng nguồn. Đặc biệt, hoạt động xây dựng các công trình ở thượng nguồn đã tác động lớn đến sản xuất bởi quy luật lũ cũng thay đổi. Theo đó các lũ nhỏ gần như hết, các lũ trung bình có thể trở thành lũ nhỏ và lũ lớn có thể giảm nhưng lũ cực lớn gây thiên tai nhưng chưa chắc đã giảm. Đấy là những cái bất lợi đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp mới trong ứng phó. Hạn hán và xâm nhập mặn cũng vậy.Vấn đề lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long là mô hình phát triển bền vững với môi trường. Một số giải pháp chúng ta triển khai trước đây để làm ngọt hóa có thể gây ô nhiễm. Bởi khi chúng ta ngọt hóa là phải làm các cống ngăn mặn, khi nước biển dâng đòi hỏi thời gian đóng cống lâu, gây ô nhiễm mạnh mẽ. Do đó, những mô hình phát triển trong bối cảnh hiện nay cần có sự thay đổi, đặc biệt là ở khu vực bán đảo Cà Mau, Tứ giác Long Xuyên và thận trọng khi xây dựng các công trình. Vậy việc ứng phó với BĐKH trong giai đoạn tới cần tính đến giải pháp nào, thưa Thứ trưởng?- Việc thích ứng với BĐKH phải gắn với phát triển bền vững để không tác động quá lớn đến tự nhiên, đồng thời có những có giải pháp xây dựng dựa vào hệ sinh thái như là Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang cố gắng phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn hoặc vùng ven biển miền Trung đang nghĩ tới việc bù lại lượng cát hay quản lý phát triển. Đấy là những hành động của Bộ NN&PTNT trong việc thực hiện Hiệp định Paris về ứng phó với BĐKH hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về những giải pháp cụ thể ứng phó với BĐKH để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững?- Thực hiện các cam kết quốc tế về thích ứng với BĐKH, đặc biệt là Hiệp định Paris về ứng phó với BĐKH, ngành nông nghiệp đã có nhiều hành động cụ thể. Trước hết, Bộ đã ban hành Kế hoạch thực hiện các thỏa thuận của Hiệp định Paris về ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp và nhiều cơ chế chính sách đã được xây dựng. Về mặt giảm thiểu rủi ro thiên tai, ngành nông nghiệp cố gắng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó có rất nhiều hành động mà cố gắng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Ví dụ áp dụng các biện pháp giảm dần lạm dụng tài nguyên thiên nhiên như là sử dụng nước, đất đai, phát triển theo hướng thích ứng với các hệ thống sinh thái chứ không tác động tới tài nguyên. Trong nông nghiệp, những giải pháp trồng trọt ít phát thải cũng được áp dụng như sử dụng nước hợp lý SRI, “1 phải, 5 giảm”. Trong chăn nuôi áp dụng nhiều biện pháp giảm phát thải như xử lý chất thải chăn nuôi biogas. Đặc biệt trong lâm nghiệp có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đẩy mạnh bảo vệ phát triển rừng để người dân có thể sinh sống được từ rừng. Trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai đang đẩy mạnh nâng cao hiệu quả quản lý các hệ thống thủy lợi, tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, quản lý nước. Với những thách thức hiện nay, liệu chúng ta có đạt mục tiêu cam kết theo Hiệp định Paris về ứng phó với BĐKH hay không, thưa Thứ trưởng?- Hiện nay, cam kết của các quốc gia tự nguyện khi tham gia Hiệp định Paris là giảm phát thải 8% nhưng chúng ta đăng ký giảm phát thải cao hơn, khoảng trên 20%. Để đạt mục tiêu nay, Việt Nam đang làm rất mạnh nhiều giải pháp. Thứ nhất, trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam đang có những đột phá về sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió đã hòa lưới điện quốc gia ở Quảng Trị, Bạc Liêu, Bình Thuận… hay các dự án về năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó có sự chuyển dịch về mô hình phát triển nông nghiệp như quản lý nước, bảo vệ phát triển rừng, phát triển nông nghiệp sạch theo chuỗi… Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu cam kết giảm phát thải theo Hiệp định Paris.Xin cảm ơn Thứ trưởng!