Phát triển vật liệu xây dựng thân thiện môi trường: Giảm ô nhiễm, tiết kiệm chi phí

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế cho thấy, việc sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) không thân thiện với môi trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Từng bước dùng gạch không nung trong xây dựng vừa thân thiện với môi trường, vừa đem lại hiệu quả cho công trình. (Ảnh minh họa)
Vì sao nên thay thế vật liệu truyền thống?
Ngày 2/7, tại Hội thảo khoa học “Vật liệu an toàn, thân thiện với môi trường” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội và Hội Khoa học và Kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cùng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng tổ chức, các chuyên gia cho rằng, nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó các nguồn VLXD tự nhiên đang dần cạn kiệt. Việc khai thác quá mức cộng với nhu cầu của con người ngày càng tăng cao dẫn đến sự phát triển tất yếu phải có nguồn vật liệu thay thế.
Cần tập trung vào vấn đề thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, đề nghị làm một số mô hình mẫu, chọn đúng đối tượng tại địa phương để người dân tự tuyên truyền và hiểu rõ hơn về tác hại của của VLXD truyền thống có thể ảnh hưởng đến chính cuộc sống của họ.
Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng Trần Thị Hương
Đặc biệt, các loại VLXD truyền thống gây ra nhiều hệ lụy như mất đất nông nghiệp, gia tăng khí thải, hiệu ứng nhà kính. Theo số liệu thống kê, cứ một tỷ viên gạch nung quy chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu mét khối đất được khai thác ở độ sâu khoảng 2m, tương đương với 75ha đất nông nghiệp. Việc dùng than làm nhiên liệu đốt gây ra hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường.
Dự báo đến năm 2020, nhu cầu sử dụng gạch nung của Việt Nam khoảng 42 tỷ viên. Nếu đáp ứng nhu cầu này sẽ tiêu tốn từ 50 – 70 triệu mét khối đất, tương đương với khoảng 3.000ha đất nông nghiệp, tiêu thụ hết 6 tỷ tấn than nung và thải ra môi trường khoảng 23 tỷ tấn CO2. Rõ ràng, việc sản xuất gạch từ đất sét nung đang tạo ra những áp lực vô cùng lớn đến môi trường sống của con người.
Hơn thế, một số VLXD không chỉ là mối nguy hại với môi trường mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Theo ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTB&XH, ở Việt Nam, hàng năm ghi nhận hơn 143.000 người bị mắc ung thư mới, trong đó rất nhiều người mắc ung thư trung biểu mô do bụi Amiăng từ hoạt động sản xuất tấm lợp fibro - xi măng gây ra.
GS.TS Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam nhìn nhận, đối với công trình xây dựng, vật liệu chiếm tới xấp xỉ 70% giá thành. Nếu biết chọn lựa nguồn nguyên liệu hợp lý, chắc chắn sẽ tiết kiệm tối đa chi phí, đạt hiệu quả kinh tế cao. “Hiện nay, vật liệu xanh - vật liệu an toàn, thân thiện với môi trường đã và đang khẳng định được thế mạnh vượt trội, tuy nhiên số lượng còn rất ít. Vì vậy, cần có nghiên cứu, đánh giá thực tế cùng những chính sách, giải pháp bền vững mới đem lại lợi ích lâu dài” - GS.TS Lê Vân Trình khẳng định.
Phát triển theo hướng bền vững
Nhu cầu bảo vệ môi trường đang là ưu tiên hàng đầu của xã hội, do đó các thiết kế, kiến trúc cũng phát triển theo hướng bền vững. Thực tế hiện nay, rất nhiều tổ chức, DN đã ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất vật liệu xanh, sạch, tái chế, vật liệu thay thế có nhiều ưu việt hơn các sản phẩm truyền thống như tấm bê tông gia cường sợi không Amiăng, tấm tường không sử dụng Amiăng hay tấm VLXD thân thiện với môi trường sử dụng sợi PVA...
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các sản phẩm xanh có chi phí lắp đặt, giá thành ban đầu có thể hơi cao hơn những vật liệu truyền thống. Tuy nhiên, cần xem xét về lâu dài, những sản phẩm công nghệ mới sẽ tiết kiệm năng lượng nhiều hơn, tối ưu hơn, có vòng đời sử dụng dài hơn, từ đó tiết kiệm tiền cho người sử dụng, chủ đầu tư… Với những tiềm năng như vậy, chỉ cần tối ưu hóa, khắc phục những điểm yếu thì VLXD xanh sẽ dần chiếm lĩnh thị trường và trở thành lựa chọn hàng đầu.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng VLXD xanh, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm VLXD xanh, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, đối với công trình xanh cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể; có chế tài xử lý hành chính đối với các chủ thể xây dựng không thực hiện quy định sử dụng VLXD xanh; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất VLXD…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần