70 năm giải phóng Thủ đô

Phát triển vật liệu xây dựng xanh: công nghệ sản xuất cần tiên tiến, hiện đại

Thành Luân - Hồng Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 17/4, các chuyên gia cùng doanh nghiệp đã thảo luận, đồng thời giới thiệu các công nghệ, thiết bị mới nhằm phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) xanh.

Nằm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế về xây dựng, công nghiệp mỏ và giao thông - máy móc, thiết bị, công nghệ, phương tiện và vật liệu (Contech Vietnam 2024), Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VABM) phối hợp với Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ Quốc tế Hà Nội (HADIFA) tổ chức hội thảo với chủ đề "Công nghệ mới, thiết bị mới phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng xanh".

Phó Chủ tịch VABM Phạm Văn Bắc phát biểu tại khuôn khổ hội thảo.
Phó Chủ tịch VABM Phạm Văn Bắc phát biểu tại khuôn khổ hội thảo.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch VABM Phạm Văn Bắc cho biết, mặc dù về sản lượng sản xuất và tiêu thụ VLXD trong năm 2023 có sự sụt giảm so với năm 2022 do những khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ sản xuất và chủng loại, tính năng sản phẩm vẫn hướng đến các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển VLXD tại Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020.

Trong đó, hướng đến công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, loại bỏ những dây chuyền sản xuất VLXD lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; sản xuất ra các sản phẩm VLXD có tính năng, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế; sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên liệu.

Ông Văn Công Thi - Trưởng phòng Xây dựng và Hạ tầng Công ty Rieckermann Việt Nam trình bày về công nghệ xây dựng mới.
Ông Văn Công Thi - Trưởng phòng Xây dựng và Hạ tầng Công ty Rieckermann Việt Nam trình bày về công nghệ xây dựng mới.

Cũng tại khuôn khổ hội thảo, ông Văn Công Thi - Trưởng phòng Xây dựng và Hạ tầng Công ty Rieckermann Việt Nam đã giới thiệu công nghệ sàn rỗng dự ứng lực, với sàn bê tông sản xuất bằng công nghệ đùn ép trên đế đúc dài và dự ứng lực, bề mặt phẳng, kích thước chính xác.

"Tấm sàn với thiết kế lõi rỗng và sử dụng thép dự ứng lực cường độ cao nên giảm được lượng bê tông và lượng thép khoảng 20% – 30% so với các loại sàn truyền thống. Và đây là công nghệ xanh khi lượng khí thải carbon nhỏ, an toàn và thân thiện với môi trường" - ông Văn Công Thi cho hay.

Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Tống Văn Nga phát biểu tại hội thảo.
Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Tống Văn Nga phát biểu tại hội thảo.

Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Tống Văn Nga cho biết, trong xu thế phát triển và cạnh tranh quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, như việc tiếp cận quy mô thị trường rộng lớn, tiếp cận những công nghệ mới, trang thiết bị hiện đại, đã và đang được ứng dụng một cách hiệu quả, và vươn lên để đạt đến trình độ quốc tế.