Phiên họp tập thể UBND Thành phố: Xem xét dự thảo 4 quy hoạch chuyên ngành

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm qua, 21/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, tập thể UBND TP Hà Nội đã họp cả ngày, thảo luận cho ý kiến vào 4 bản quy hoạch (QH) tổng thể phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn của ngành Nông nghiệp, Thương mại, Công nghiệp và QH thoát nước đô thị Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cùng đại diện MTTQ TP, các ngành chức năng TP tham dự.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, đây là những QH rất quan trọng, nhằm thể chế hóa QH chung xây dựng Thủ đô  và là nền tảng, định hướng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để QH khả thi, Chủ tịch đề nghị, tư vấn và ban soạn thảo tiếp tục làm rõ một số nội dung với yêu cầu tuân thủ theo khung QH chung được Thủ tướng phê duyệt. Chú trọng giải pháp thực hiện, xây dựng lộ trình cụ thể triển khai, đặc biệt là nguồn vốn thực hiện, phải xây dựng được các cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực khi triển khai.

Đối với ngành nông nghiệp, cần gắn kết phát triển ngành với xây dựng nông thôn mới. Về QH Ngành thương mại, công nghiệp phải gắn liên kết QH vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và các địa phương lân cận; xây dựng được hệ thống bán hàng rộng khắp, chú trọng loại hình thương mại điện tử, thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, thường xuyên bảo đảm ổn định thị trường, cân đối hàng hóa cung - cầu để phục vụ nhu cầu thị trường Thủ đô, trong nước và xuất khẩu,… Ngành công nghiệp, cần lựa chọn những sản phẩm chủ lực, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; tạo ra những  sản phẩm hàng hóa chất lượng, đạt quy chuẩn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nền sản xuất hàng hóa thương hiệu Thủ đô.

Về QH thoát nước đô thị Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đề nghị, cần thực hiện mục tiêu, từng bước xóa bỏ ngập úng ở trung tâm Thủ đô khi mưa lớn; góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường đạt hiệu quả cao về kinh tế - xã hội. Đồng thời, cải tạo, khắc phục ô nhiễm hệ thống sông, làm sống lại sông Tô Lịch, sông Đáy… Có cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa thực hiện mục tiêu trên, Chủ tịch nhấn mạnh và giao cho các đơn vị chức năng tiếp tục điều chỉnh, hoàn chỉnh bản QH thoát nước đô thị Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ thông qua.