Phim ngắn về đại dịch nhựa sẽ được công chiếu vào ngày Môi trường Thế giới

Hương Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáu trong số 20 công ty gây ô nhiễm biển hàng đầu đều đang hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á, khiến cho khu vực trở thành một điểm nóng về ô nhiễm nhựa.

Bộ phim ngắn với tên gọi “Plastik” tập trung vào thị trường Đông Nam Á nhằm nâng cao nhận thức về đại dịch nhựa, sẽ được công chiếu chính thức vào Ngày Môi trường Thế giới (ngày 5/6) tới.

Sau thành công của chiến dịch “100 ngày đánh bại ô nhiễm rác nhựa” (100 days to #beatplasticpollution) trước đó, studio công nghệ sáng tạo Meshmind tiếp tục thực hiện dự án phim ngắn Plastik, trong đó thể hiện hàm ý mang tính xã hội của ô nhiễm nhựa, để thúc đẩy thay đổi hành vi trong giới trẻ - nói không với sử dụng nhựa một lần.

Meshminds đã ủy quyền cho công ty phim Studio Birthplace làm việc cùng một dàn diễn viên và đoàn làm phim Đông Nam Á sản xuất một bộ phim kể một câu chuyện trực quan về những cái nhìn siêu thực vào một tương lai ô nhiễm nhựa.

Bộ phim ngắn được hỗ trợ bởi Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), một sáng kiến ​​từ UNEP và cơ quan điều phối các vùng biển Đông Á nhằm thúc đẩy các giải pháp cho từng thị trường và khuyến khích các chính sách cho phép giải quyết ô nhiễm nhựa biển tại nguồn.

Hiệu ứng gợn sóng

Chia sẻ về dự án này, ông Kay Vasey - người sáng lập Meshminds cho biết, họ muốn tiếp tục nêu bật từ một hành động nhỏ - vốn dĩ trở thành thói quen - mỗi người có thể thay đổi tránh nhựa sử dụng một lần, từ đó họ có thể tạo ra một hiệu ứng gợn song trong cộng đồng.

“Chúng tôi hy vọng rằng cùng với việc sản xuất một bộ phim ngắn được thực hiện bởi dàn diễn viên và đoàn làm phim Đông Nam Á và được đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội, chúng tôi có thể làm sâu sắc thêm sự tham gia và xúc tác cho sự thay đổi hành vi lâu dài trong giới trẻ ở khu vực này. Từ đó họ - giới trẻ sẽ thể hiện hành động của cá nhân vì tập thể để chấm dứt ô nhiễm nhựa” – ông nhấnh mạnh.

Sean Lin - người đồng sáng lập Studio Birthplace cho biết: “Câu chuyện này có thể giúp khán giả hình dung được tương lai khó tin, từ đó truyền cảm hứng cho họ trở thành người tiêu dùng có ý thức hơn và cho các thế hệ tương lai - những người xứng đáng được sống trong một môi trường lành mạnh”.

Trong quá trình sản xuất bộ phim ngắn, Studio Birthplace đã cung cấp các bữa ăn không có bất cứ đồ nhựa sử dụng một lần và yêu cầu cả đoàn làm phim sử dụng chai nước có thể tái sử dụng của riêng họ, đồng thời dùng các bảng và kịch bản số. Phát thải carbon do vận chuyển trong những ngày ghi hình được tính toán và đền bù thông qua việc trồng cây.

Bộ phim ngắn đã được quay ở Sepang, Malaysia.