Phim “trăm tỷ” và những điều trăn trở về điện ảnh Việt

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Năm 2023, 5 phim Việt có doanh thu cao nhất phòng vé Việt năm nay đều vượt ngưỡng 100 tỷ đồng. Đây là con số mơ ước của nhiều nhà sản xuất nhưng không phải là bức tranh chung của điện ảnh Việt thời gian qua.

Những con số ấn tượng

Theo đơn vị thống kê độc lập Box Office Vietnam, các phim được xếp theo thứ tự doanh thu tăng dần là "Chị chị em em 2”; "Siêu lừa gặp siêu lầy", "Đất rừng phương Nam”, "Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh" và “Nhà bà Nữ”.

"Nhà bà Nữ” có doanh thu đạt khoảng 459,6 tỷ đồng.
"Nhà bà Nữ” có doanh thu đạt khoảng 459,6 tỷ đồng.

Với vị trí dẫn đầu, “Nhà bà Nữ” có doanh thu đạt khoảng 459,6 tỷ đồng trước khi rời rạp. Phim liên tiếp xô đổ nhiều kỷ lục phòng vé, thống trị rạp Việt suốt mùa Tết Nguyên đán. Sức hút của tác phẩm tới từ tên tuổi đạo diễn, cùng với đó là dàn diễn viên có tiếng như Trấn Thành, Khả Như, Lê Giang, Song Luân, Lê Dương Bảo Lâm...

Vị trí thứ 2, “Lật Mặt 6: Tấm vé định mệnh” của Lý Hải đạt doanh thu khoảng 273 tỷ đồng, cao thứ 5 trong lịch sử phòng vé Việt. Ra mắt vào dịp lễ 30/4 - 1/5, đứa con tinh thần của Lý Hải nhanh chóng gây sốt. Phim thống trị phòng vé nội địa suốt 1 tháng liền, lấn át cả bom tấn “Guardians of the Galaxy Vol. 3” của nhà Marvel.

Xếp thứ 3 là “Đất rừng phương Nam” với thành tích 140 tỷ đồng. Tác phẩm do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn quy tụ dàn diễn viên gồm Hứa Vĩ Văn, Trấn Thành, Băng Di, Huỳnh Hạo Khang, Mai Tài Phến, Tuấn Trần... Khởi chiếu vào ngày 13/10, phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim truyền hình cùng tên năm 1997. Ngay khi ra rạp, “Đất rừng phương Nam” trở thành chủ đề tranh luận trên nhiều diễn đàn suốt nhiều ngày liền. Sau khi tiếp thu ý kiến khán giả và trao đổi với cơ quan chức năng, phim đã  phải chỉnh sửa một số chi tiết. Vì vậy, phim có hiệu ứng truyền miệng nhưng mang tính tiêu cực, khiến doanh thu giảm trong những ngày công c hiếu tiếp theo.

Đứng thứ 4 và thứ 5, phim “Siêu lừa gặp siêu lầy” có doanh thu 121,6 tỷ đồng; “Chị chị em em 2” có doanh thu 121 tỷ đồng. Tổng doanh thu 5 phim này đạt khoảng 1.100 tỷ đồng. Con số này vượt thành tích năm 2019 (thời điểm điện ảnh Việt phát triển mạnh nhất từ 2022 trở về trước), khi đó điện ảnh Việt cũng có 5 phim "trăm tỷ" nhưng tổng doanh thu (nội địa) chỉ đạt 789,3 tỷ đồng.

Trong số top 5 doanh thu phim nội địa năm 2023 có một điểm trùng hợp, Trấn Thành đóng nhiều vai trò quan trọng trong 2 tác phẩm "Nhà Bà Nữ" (nhà đầu tư kiêm đạo diễn, diễn viên) và "Đất rừng phương Nam" (nhà đầu tư, diễn viên).

Cận kề danh sách top 5 phim trăm tỷ là "Người vợ cuối cùng" của Victor Vũ. Phim chững lại ở mức trên 97 tỷ đồng và chỉ vượt 100 tỷ đồng khi tính cả doanh thu chiếu ở nước ngoài.

Không có nhiều đổi mới

Nhìn lại năm 2023, điện ảnh Việt Nam trải qua một giai đoạn thành về doanh thu. Tính riêng từ mùa phim Tết 2022 đến nay, phòng vé nội địa đã có thêm 6 tác phẩm gia nhập "câu lạc bộ trăm tỷ". Đây thực sự là một thành tích ấn tượng khi trong lịch sử tổng cộng mới có 21 bộ phim Việt vượt qua được cột mốc này. Theo Cục Điện ảnh, trong những năm gần đây điện ảnh của Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, khoảng 20% mỗi năm.

Hậu trường một buổi ghi hình.
Hậu trường một buổi ghi hình.

Tuy nhiên theo những người trong ngành làm phim, không phải phim “trăm tỷ” nào cũng có chất lượng tốt, ngược lại còn gây nhiều tranh cãi, rất nhiều phim mang nặng tính kịch, sân khấu.

Phim “trăm tỷ” thường có công thức chung là gương mặt phòng vé, yếu tố hài hước, lịch chiếu tốt, và tập trung chi phí vào truyền thông nhằm đẩy mạnh các yếu tố xung quanh bộ phim mà không thuộc nội dung chính thức của bộ phim. Thực tế cho thấy, nhà sản xuất phim bản chất là các doanh nghiệp tư nhân nên không ai có thể mạo hiểm vì thế dẫn đến không muốn đổi mới, ngại tìm tòi.

Dễ dàng nhận thấy, phần lớn các bộ phim như vậy chỉ được làm với mục đích phục vụ khán giả trong nước, chiếu tại rạp sau đó lên các nền tảng online. Dù đạt doanh thu hàng trăm tỷ khi “mang chuông đi đánh xứ người” tham gia cuộc thi quốc tế, phát hành nước ngoài lại nhận được đánh giá không tốt và gần như không có cơ hội lọt vào liên hoan phim quốc tế.

Theo đạo diễn Võ Thanh Hoà, để có thể đáp ứng về phần “chất”,  điện ảnh trong nước cần những cơ sở giáo dục chuyên nghiệp. Hàng năm các trường dạy về điện ảnh đều cho ra đời những thế hệ đạo diễn, diễn viên thế hệ mới. Điều cần thiết nhất là tạo cho các nguồn lực mới này một môi trường và hướng đi có thể gắn bó lâu dài với nghề. Nhiều tác phẩm điện ảnh có thể làm rất tốt “phần nhìn” nhưng về chất lượng của sản phẩm lẫn con người cần phải trải qua nhiều năm để có thể đạt đến mức độ chín muồi.

Cần khai thác chiều sâu trong văn hóa Việt

Đạo diễn, NSƯT Đặng Tất Bình, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện 1 Việt Nam từng chia sẻ: “Nền điện ảnh của đất nước nào cũng sẽ phải cố gắng tìm kiếm ra những cái mới lạ để có thể phát triển nền điện ảnh nước nhà và thu hút khán giả. Tôi nghĩ Việt Nam là đất nước có nhiều cái lạ, không chỉ về phong cảnh, về bối cảnh, mà còn lạ ở suy nghĩ”.

Qua một số tác phẩm châu Á đạt giải Oscar, có thể thấy mỗi bộ phim đều thể hiện được những nét văn hóa rất riêng biệt của từng quốc gia, dân tộc, gắn liền với những vấn đề đang “nóng” trong thời đại. Gần đây nhất là bộ phim “Everything everywhere all at once” (Cuộc chiến đa vũ trụ) đã khai thác mâu thuẫn giá trị truyền thống và hiện đại, cha mẹ - con cái trong các gia đình châu Á sinh sống tại Mỹ. Những nét văn hóa tâm linh về linh hồn, thiền, thế giới vô ngôn được thể hiện rất rõ ràng. Nhưng trong đó, vẫn có yếu tố của thời đại, là cuộc khủng hoảng Internet, nơi con người có quá nhiều thông tin phải tiếp nhận mỗi ngày, điều này thể hiện qua các phân cảnh chuyển dịch nhanh, tức thời trong một thế giới đa vũ trụ.

Vào đầu năm 2023, bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm, theo chân cô bé Di suốt sáu năm trời để quay lại những thước phim chân thực nhất. Bộ phim lọt Top 15 đề cử tại Oscar 2023, nhận được nhiều phản hồi tích cực của bạn bè quốc tế. Bộ phim khai thác rất tốt văn hóa của người Mông, với hàng loạt những vấn đề vẫn còn nhức nhối như tục cướp vợ, tảo hôn ở vùng cao. Từng góc quay của Hà Lệ Diễm đều cho thấy vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Việt Nam, cuộc sống độc đáo, đặc sắc của người dân tộc, đối chọi với vẻ đẹp đó là thân phận người phụ nữ. Đạo diễn đi sâu vào cuộc sống của người dân tộc, thể hiện tinh thần nhân đạo, khi “hướng máy quay” về người phụ nữ, sâu hơn là vấn đề về “giới”.

Có thể thấy, để phim Việt Nam vươn tầm quốc tế là một chặng đường dài, với nhiều điều cần thay đổi về nội dung, hình thức để có thể tạo ra những thước phim sinh động, đẹp mắt, thấm đẫm hơi thở Việt Nam, đồng thời vẫn có chiều sâu về nội dung, ý nghĩa.