Phó Bí thư Thường trực Thành ủy: Xây dựng phương án mới ứng phó với dịch Covid-19

Linh Nguyễn - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trước tình hình dịch Covid-19 tại TP đã chuyển sang giai đoạn 3, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu xây dựng phương án mới ứng phó với dịch Covid-19.

Sáng nay (20/3), đoàn kiểm tra số 1 Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Quận ủy Hai Bà Trưng về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Sars-CoV-2 (Covid-19) gây ra trên địa bàn. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu.
 Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo
Theo Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Vũ Đại Phong, ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của T.Ư và TP về công tác phòng, chống dịch do Covid-19, Ban Thường vụ Quận ủy đã tập trung chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc tới các cấp ủy cơ sở, phòng, ban, ngành, đoàn thể. UBND quận đã thành lập Ban chỉ đạo với thành viên là trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các phường; phân công rõ trách nhiệm từng thành viên đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ địa bàn; theo dõi, quản lý và tổ chức trực 24/24 và 24/7 để kịp thời xử lý tình huống khi có phát sinh. UBND 18/18 phường cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch tại từng phường.
Tính đến sáng 20/3, toàn quận có 4 trường hợp dương tính với Covid-19 (tại các phường Minh Khai, Quỳnh Lôi, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du). Tại quận cũng phát hiện 76 trường hợp F1, trong đó 41 ca xét nghiệm đã cho kết quả âm tính, 18 trường hợp đã đủ thời gian cách ly 14 ngày, 58 trường hợp đang tiếp tục được cách ly (tại nhà, tại cơ quan, tại bệnh viện, tại TP. Hồ Chí Minh). Cùng với đó, có 336 trường hợp F2, trong đó 22 trường hợp đã đủ thời gian cách ly 14 ngày; 321 trường hợp F3, trong đó 25 trường hợp đủ thời gian cách ly 14 ngày. Đối với các trường hợp đi từ vùng dịch về, các phòng, ngành chức năng quận đang tiếp tục tiến hành rà soát những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam kể từ ngày 1/3/2020 trở lại đây, hiện cư trú tại quận. Nếu về từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Covid-19, quận sẽ triển khai lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà đủ 14 ngày. Ngoài ra, quận cũng tiến hành giám sát tại cộng đồng với một số trường hợp sau khi hết thời gian cách ly tập trung tại Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng…
Tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu lưu ý quận Hai Bà Trưng tập trung tuyên truyền, vận động người dân trong công tác phòng chống dịch, từ những hành động nhỏ nhất, như chống lây nhiễm tại các khu vực sử dụng chung là thang máy bằng cách thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, vào thang ít người một lúc…, khi trên địa bàn có rất nhiều tòa nhà cao tầng. Cần thiết thì vẫn sử dụng loa phường để thông tin kịp thời cho người dân, với nội dung ngắn gọn; tiếp tục vận động họ ở nhà, trừ trường hợp thật cần thiết phải ra ngoài; không tích trữ lương thực thực phẩm vì TP sẽ đảm bảo cung ứng đủ.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu
Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, bài bản ngay từ đầu của quận Hai Bà Trưng trong phòng chống dịch Covid-19, đã huy động cả hệ thống chính trị từ quận đến các phường, khi đặc thù là 1 trong 4 quận nội thành cũ có mật độ dân cư đông, nhiều người nước ngoài sinh sống, nhiều chung cư cũ với cơ sở vật chất khó khăn…
Quận đã ban hành 34 văn bản văn bản lãnh đạo chỉ đạo; chủ động bố trí đến nay gần 5 tỷ đồng cho phòng chống dịch, huy động trạm y tế của 18 phường để cách ly bước một trước khi chuyển các trường hợp F1 sang bệnh viện; tăng cường VSMT, khử khuẩn nhất là tại trường học… Đáng chú ý, quận tập trung chống dịch nhưng cũng thực hiện tốt phát triển KT-XH, nhất là công tác GPMB, sắp xếp 4 phường và sắp xếp các tổ dân phố, đảm bảo tiến độ tổ chức Đại hội Đảng các cấp.
Khẳng định tình hình dịch Covid-19 tại TP đã chuyển sang giai đoạn 3, với số ca nhiễm tăng nhanh; riêng quận Hai Bà Trưng đến thời điểm này có hơn 700 trường hợp phải theo dõi, 4 ca dương tính, trong đó có trường hợp bị lây trong cộng đồng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị: Quận là địa bàn trọng điểm thứ hai tại TP chỉ sau Ba Đình, nên Ban Thường vụ, Thường trực Quận ủy quán triệt triển khai ngay các giải pháp phòng chống dịch bệnh giai đoạn 3, cập nhật hằng ngày các chỉ đạo của T.Ư, TP, quán triệt tuyệt đối không lơ là, chủ quan nhưng cũng rất bình tĩnh, không hoang mang, phải sáng suốt với tinh thần cảnh giác cao nhất, nâng cao trách nhiệm cả hệ thống chính trị; thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch ở mức cao hơn.
Trước hết, tập trung tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cần rộng khắp, sâu hơn, kịp thời, minh bạch, phù hợp từng đối tượng, thời điểm cụ thể; nhằm nâng cao nhận thức Nhân dân về tính nguy hiểm, tác hại, kiến thức cơ bản về dịch bệnh và phát huy trách nhiệm mỗi người trong bảo vệ, nâng cao sức khỏe của mình và cộng đồng. Trong đó, cần phát huy tốt vai trò hệ thống chính trị tại các khu dân cư, tổ dân phố, từng khu chung cư, đặc biệt của công an phường, cảnh sát khu vực trong giám sát phát hiện những người từ vùng có dịch, người có liên quan ca nhiễm Covid-19 cư trú/lưu trú trên địa bàn. Ban Thường vụ Quận ủy lập đoàn trực tiếp đi kiểm tra toàn diện công trình xây dựng, quán karaoke, chợ, trung tâm thương mại, chung cư trên địa bàn, hướng dẫn cho họ biện pháp phòng dịch cụ thể.
“Đặc biệt, cần nhanh chóng rà soát mọi kế hoạch, phương án đã có để cập nhật, xây dựng các tình huống mới, tương ứng là các giải pháp mới, phương án cụ thể, chi tiết, chủ động chuẩn bị ở mức cao nhất; để tránh bị động, bất ngờ trước diễn biến nhanh theo hằng ngày của dịch bệnh. Kế hoạch “hàng ngang” càng chi tiết thì khi triển khai càng đỡ vất vả, không quá lo lắng. Nếu cần cách ly cục bộ thì chính quyền bỏ kinh phí ra để lo cho người dân về lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm; phương tiện trang thiết bị bảo hộ cho lực lượng công an, y tế… Tại quận có một số bệnh viện, Sở Y tế cũng cần phân luồng để quận có thể sử dụng ngay tại chỗ chứ không phải đi xa, cần thiết thì huy động cả bệnh viện T.Ư trên địa bàn”, đồng chí nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị quận tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm cho các hộ khó khăn, cận nghèo có đầy đủ trang bị bảo hộ phòng dịch. Với những địa phương đang có dịch hoặc tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây nhiễm, quận cần bố trí thời gian tổ chức Đại hội Đảng cấp cơ sở đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, tranh nguy cơ lây nhiễm dịch bằng cách giảm thời gian, khách mời, thủ tục không cần thiết; song song các biện pháp phòng, chống lây nhiễm.