Đây quả là những thông tin không vui với người yêu Hà Nội, yêu con phố từng là niềm tự hào của người dân Thủ đô này.
Phố Bích họa Phùng Hưng là thành quả của dự án “Đưa nghệ thuật vào không gian sống" do UBND quận Hoàn Kiếm kết hợp với Chương trình Định cư Con người Liên Hợp quốc và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc thực hiện.
Với những bức bích họa tái hiện nhiều khung cảnh Hà Nội xưa những gánh hàng rong quen thuộc trên các nẻo phố, tàu điện leng keng, ông đồ trên phố, những đoàn tàu Bắc Nam, các ngôi nhà theo kiến trúc xưa, cửa hàng bách hóa tổng hợp, những con đường hoa sữa, những chiếc xe máy du nhập đời đầu… Phố Bích họa Phùng Hưng đã trở thành điểm đến hấp dẫn của người Hà Nội cùng du khách muôn phương.
Được kỳ vọng trở thành một không gian kết nối văn hóa với phố đi bộ Hồ Gươm, chợ Đồng Xuân, nhưng sau gần 5 năm hoạt động, Phố Bích họa Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang xuống cấp khi các tác phẩm bích họa trên đoạn phố này có dấu hiệu hư hại, không gian vỉa hè bị lấn chiếm nghiêm trọng.
Tình trạng nói trên không phải chỉ diễn ra với Phố Bích họa Phùng Hưng. Người Hà Nội và cả nước hẳn đều biết Con đường Gốm sứ, công trình chào mừng Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Công trình đã từng được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, được Tổ chức Guinness công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới.
Tái hiện những sự kiện lịch sử, danh lam thắng cảnh của Hà Nội, mang dấu ấn của làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng..., Con đường Gốm sứ có chiều dài gần 4.000m, diện tích 7.000m2 với mức kinh phí 65 tỷ đồng đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân Hà Nội cũng như du khách trong nước và quốc tế. Tiếc rằng, dù đã nhiều lần được trùng tu, cải tạo vì xuống cấp trong nhiều năm qua, nhưng đến nay, bức tranh gốm dài nhất thế giới lại tiếp tục bị bong tróc, nứt vỡ tại nhiều vị trí.
Có một điều cần ghi nhận là ngay sau khi thông tin về sự xuống cấp và bị lấn chiếm của Phố Bích họa Phùng Hưng được đăng tải, tình hình đã được cải thiện rõ nét.
Đoạn vỉa hè trước các vòm cầu có gắn các bức bích họa đã được dọn dẹp sạch sẽ, phong quang. Những chiếc ghế dài cho du khách nghỉ chân đã được trả lại đúng vị trí. Phố bích họa bước đầu đã trở lại hình ảnh đáng yêu, hấp dẫn ban đầu. Được biết, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã có kế hoạch phối hợp với các họa sĩ chỉnh trang lại các bức bích họa tại đây.
Từ câu chuyện diễn ra với Phố Bích họa Phùng Hưng cùng Con đường Gốm sứ, có thể thấy việc bảo dưỡng, duy tu các công trình nghệ thuật này chưa được các đơn vị có trách nhiệm quan tâm một cách thường xuyên.
Nếu như công tác này làm tốt, những hư hỏng, bong tróc… được xử lý kịp thời, hiện tượng hư hỏng xuống cấp một cách trầm trọng đã không xảy ra. Tương tự, nếu các hành vi này lấn chiếm, hủy hoại được ngăn chặn, xử lý nghiêm nay từ đầu tình trạng đáng buồn như vậy sẽ không xảy ra.
Cũng cần nói thêm rằng, hậu quả của tình trạng nói trên không chỉ là sự lãng phí về tiền bạc (Con đường Gốm sứ được đầu tư 65 tỷ đồng. Việc hình thành, sửa chữa, tu sửa Phố Bích họa Phùng Hưng chắc cũng tốn phí không ít.) Đó còn là sự lãng phí thời gian, công sức lao động nghệ thuật sáng tạo của các nghệ sĩ, những giá trị không thể tính bằng tiền. Chưa kể tình trạng đó còn tạo ra ấn tượng không đẹp trong con mắt du khách về cách ứng xử với những tác phẩm nghệ thuật, công trình công cộng của nhà quản lý và người dân Thủ đô.
Hy vọng tình trạng đáng buồn trên sẽ không tái diễn.