Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Lê Thọ Bình: Nghị quyết 52 thể hiện khát vọng tham gia làn sóng 4.0

Hà Thanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Lê Thọ Bình khẳng định: Nghị quyết số 52-NQ/TW về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vừa được ban hành đã thể hiện rõ việc Việt Nam tham gia làn sóng 4.0 có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc của đất nước.

 Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Lê Thọ Bình
Ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều thách thức
Vào cuối tháng 9/2019 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ông có đánh giá thế nào về tầm quan trọng của Nghị quyết này khi cách mạng 4.0 đang là xu hướng mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc?
- Nghị quyết số 52-NQ/TW (Nghị quyết 52) của Bộ Chính trị ra đời, theo tôi, là hết sức đúng lúc, thể hiện rõ trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh và thể hiện khát vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tích cực, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cho thấy việc Việt Nam chủ động, tích cực tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc của đất nước.
Đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của Cuộc cách mạng 4.0 để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của Nghị quyết 52, hiện mức độ chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam còn yếu. Vậy Nghị quyết có đủ sức để tạo động lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam trong thời gian tới?
- Chúng ta cần nhận thức rằng, Cuộc cách mạng 4.0 sẽ có những tác động rất lớn, làm thay đổi mọi mặt của đời sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội ở tất cả các quốc gia với tốc độ lan truyền nhanh trên nền ứng dụng internet; Làm thay đổi mang tính hệ thống trong các ngành, lĩnh vực, thậm chí cả một quốc gia; Thay đổi phương thức và cách tiếp cận của nền sản xuất... Cần phải nói rằng, chuyển đổi số đã diễn ra nhiều năm qua. Nhưng chỉ khi xuất hiện các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì chuyển đổi số mới thực sự tăng tốc. Chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số và xã hội số, và chỉ khi đó mới là môi trường tốt nhất cho đổi mới sáng tạo.
Cái mới thì đương nhiên là chưa diễn ra, chưa biết hình hài nó thế nào nên cũng không thể biết cách quản lý. Do vậy, theo tôi, cơ chế sandbox, tức là cho làm thí điểm, nhưng giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định. Đó chính là cách tiếp cận cái mới tốt nhất, mà Nghị quyết 52 đã chỉ ra. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn Nghị quyết sẽ thực sự đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên cuộc cách mạng này đem lại cho Việt Nam chúng ta cả cơ hội và thách thức. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã phân tích những cơ hội, nhưng đồng thời cũng chỉ ra những thách thức lớn lao mà chúng ta cần phải có quyết tâm cao mới vươn lên được như cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả…
Thấy rõ thời cơ, nhìn nhận rõ thách thức, tôi tin rằng Nghị quyết 52 sẽ tạo động lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam trong thời gian tới.
Dưới cương vị là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong ngành nội dung số, theo ông những điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết 52 là gì?
- Nghị quyết 52 không chỉ thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta là thực hiện thắng lợi công cuộc chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số và xã hội số mà còn chỉ ra những định hướng phát triển mang tầm chiến lược về nhiều mặt. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra (mà tôi lĩnh hội được từ Nghị quyết này) là nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng 4.0. Nói đến nguồn lực cho cuộc cách mạng này Việt Nam lại đang có thế mạnh. Tôi cho rằng, nguồn lực là về vốn và chính sách.
Trong đó, về vốn, chính nhiều nước phát triển đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây nên đã đầu tư nguồn vốn rất lớn bên cạnh tạo ra các nền tảng quan trọng, tuy nhiên điều này cũng là trở ngại trong tiếp cận cách mạng lần này vì không dễ gì bỏ đi những gì mình đã có trước đây. Trong khi đó, những nước đang phát triển như Việt Nam, có điểm yếu là chưa có được xuất phát điểm tốt nhưng chính vì vậy nếu tập trung nguồn lực thì có thể bỏ qua đầu tư cho các giai đoạn trước và tiếp cận ngay với cuộc cách mạng 4.0.
Thứ hai, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chủ yếu là các nguồn lực cơ chế chính sách. Nếu có cơ chế chính sách tốt sẽ có đổi mới sáng tạo hiệu quả, khi đó sẽ có những sản phẩm tốt, mà có những sản phẩm tốt sẽ kêu gọi được nguồn lực cả trong nước và nước ngoài. Chúng ta không chủ quan nhưng không tự ti là chúng ta không thiếu nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Vai trò của doanh nghiệp và con người
Việc Nghị quyết có rồi nhưng để đưa vào thực tiễn cuộc sống là không hề đơn giản. Theo ông cần phải làm gì để Nghị quyết 52 có thể tác động sâu rộng nhất theo đúng tinh thần đã được xác định?
- Chúng ta cần nhận thức rằng, trong cuộc cách mạng 4.0 thì chuyển đổi số, về thực chất, là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ.
Về thể chế thì quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hóa Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số.
Cái mới thì đương nhiên là chưa diễn ra, chưa biết hình hài nó thế nào nên cũng không thể biết cách quản lý. Do vậy, theo tôi, cơ chế sandbox, tức là cho làm thí điểm, nhưng giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định. Đó chính là cách tiếp cận cái mới tốt nhất, mà Nghị quyết 52 đã chỉ ra. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn Nghị quyết sẽ thực sự đi vào cuộc sống.
Nghị quyết 52 đã nhìn nhận DN là các chủ thể quyết định tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
- Đây là nhận định hoàn toàn chính xác. Các DN, đặc biệt là các DN công nghệ số, ICT Việt Nam chính là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Muốn thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số, trước hết, Chúng ta phải cần đến hàng trăm nghìn DN ICT tại khắp các tỉnh, thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam.
Muốn vậy, ngoài việc Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách phù hợp, thì bản thân các DN Việt Nam cần phải tự đổi mới, bứt phá về tư duy. Từng DN và cộng đồng DN phải hành động ngay, kịp thời, quyết liệt và khẩn trương, để có thể đạt kết quả cụ thể về đổi mới sáng tạo trong từng ngành, lĩnh vực và DN. Mỗi DN phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo để thành công.
Nghị quyết 52 đặt mục tiêu, năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Theo ông cần phải làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này?
- Để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đề ra, theo tôi, Việt Nam chúng ta cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nền kinh tế dựa trên tri thức.
Để thể hiện quyết tâm đó, vừa qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Đây là bằng chứng cho thấy, Việt Nam đang đi đúng hướng đẩy mạnh chuyển đổi số và tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.
Cụ thể hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo khung pháp lý và chính sách hỗ trợ được đồng bộ, từ đó mới thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo đà cho tăng trưởng.
Ngoài ra, cần xây dựng các cụm kinh tế theo chiều dọc - liên kết quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà cung ứng và nhà cung cấp dịch vụ, cùng với xây dựng đội ngũ lao động trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu mới của nền kinh tế số.
Sự can thiệp thị trường của Chính phủ là cần thiết, nhưng nên tiếp cận theo hướng mở cửa hơn để khu vực tư nhân và giới doanh nhân tự định hướng tương lai các ngành, lĩnh vực. Thêm vào đó, Chính phủ cần tiếp tục phát huy vai trò xây dựng khung pháp lý và tạo điều kiện để DN thúc đẩy tăng trưởng.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần