Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành: Hải Phòng cam kết bổ trợ thủ đô Hà Nội

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, TP Hải Phòng đã tích cực thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Vùng thông qua đôn đốc các tỉnh, thành phố trong vùng xây dựng các kế hoạch, chương trình thực hiện hoạt động hợp tác vùng năm 2017, 2018; ban hành kế hoạch thực hiện các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng…

Bên cạnh việc hợp tác chặt chẽ, hiệu quả về thương mại, du lịch, trong lĩnh vực giao thông vận tải, được sự quan tâm của Trung ương, TP Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương trong vùng triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.
Đầu mối vận chuyển hàng hóa
Với vai trò là cửa chính ra biển của Thủ đô Hà Nội, các địa phương phía Bắc và phía Tây Nam Trung Quốc, hệ thống cảng biển của Hải Phòng không ngừng được cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa ngày càng tăng cao của Vùng. Với hơn 40 cảng biển thương mại, có tổng chiều dài bến gần 16km hiện nay, hệ thống cảng Hải Phòng xử lý phần lớn lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực phía Bắc, với tổng lượng liên tục tăng cao, đạt hơn 92 triệu tấn năm 2017 và gần 42 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2018, tăng 17,17% so với cùng kỳ.
 
Để đáp ứng nhu cầu vận tải biển ngày càng cao, ngày 13/5 vừa qua, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã được đưa vào sử dụng. Đây là cảng nước sâu duy nhất của khu vực phía Bắc, có khả năng tiếp nhận tàu công-ten-nơ đến 14.000 TEU, hoặc tàu tải trọng đến 160.000 tấn, cho phép hàng hóa từ Hải Phòng có thể đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ và ngược lại; góp phần giảm mạnh chi phí vận chuyển hàng hóa, nhờ đó, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa cũng như các doanh nghiệp phía Bắc. Với năng lực của Cảng cửa ngõ quốc tế và hệ thống cảng hiện nay, Hải Phòng đã và đang thực hiện tốt vai trò là điểm kết nối hàng hải quan trọng nhất ở phía Bắc, tăng cường vị thế của Vùng cũng như của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về giao thông kết nối sau cảng, nhiều dự án quan trọng cũng đã được triển khai thực hiện và đưa vào khai thác hiệu quả. Tiêu biểu trong số đó là các Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Đường cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh, rút ngắn thời gian kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng và thủ đô Hà Nội; Cầu đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, kết nối trực tiếp các đường cao tốc với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; Tuyến đường bộ ven biển nối liền 6 tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa giúp khai thác tối đa tiềm năng của các địa phương ven biển…
Tuy còn chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp tương xứng, nhưng hệ thống đường sắt và đường thủy nội địa sẵn có cũng đã góp phần quan trọng trong cung ứng và giải phóng hàng hóa cho hệ thống cảng biển Hải Phòng.
Cũng nhờ sự quan tâm của Trung ương và sự nỗ lực của thành phố, Sân bay Cát Bi của Hải Phòng đã được nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đạt tiêu chuẩn cấp 4E. Dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2016 và đã phát huy hiệu quả cao trong thời gian qua, với 8 đường bay nội địa và 3 đường bay quốc tế hiện nay, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng cao của Hải Phòng và Vùng duyên hải Bắc Bộ; đồng thời, thực hiện vai trò quan trọng là sân bay dự bị đầy đủ cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với khả năng tiếp nhận tất cả các loại tàu bay như tại Sân bay Nội Bài trong mọi điều kiện thời tiết.
Như vậy, có thể nói, mỗi địa phương phía Bắc là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh tổng thể của vùng và Hải Phòng là một mảnh ghép có thể bổ trợ hoàn hảo cho thủ đô Hà Nội và các địa phương lân cận khác. Về mặt kinh tế - xã hội, Hải Phòng là trung tâm của vùng duyên hải Bắc Bộ, cửa chính ra biển của thủ đô Hà Nội và các địa phương phía Bắc; có mạng lưới đường bộ thuận tiện kết nối với các địa phương trong vùng và kết nối với Hà Nội qua 2 tuyến huyết mạnh hiện đại là Quốc lộ 5 và Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; có đường sắt kết nối từ các cảng đến Hà Nội, hòa vào mạng lưới đường sắt quốc gia và liên vận quốc tế đến tận Côn Minh, Trung Quốc; có mạng lưới giao thông thủy nội địa dày đặc đến mọi địa phương; và còn là “cửa chính lên trời” thứ hai của cả miền Bắc, bên cạnh Nội Bài.
Điểm đầu tư chiến lược của nhiều doanh nghiệp
Thực hiện tốt vai trò của mình, trong thời gian qua, bên cạnh nỗ lực tập trung cao hoàn thiện nhanh nhất các dự án phát triển hạ tầng có tính kết nối, TP Hải Phòng đã không ngừng xây dựng bộ máy chính quyền kiến tạo phát triển, tập trung thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, vì mục tiêu phục vụ tốt nhất nhân dân và doanh nghiệp. Kết quả là: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Phòng (PCI) liên tục được nâng lên và đứng thứ 9 trong năm 2017; Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) liên tục đứng trong tốp đầu trong 4 năm qua; Hải Phòng được đánh giá là 1 trong 10 địa phương hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư tư nhân...
Nhờ những nỗ lực trên, Hải Phòng đã trở thành điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều nhà đầu tư quan trọng. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Hải Phòng đã đón nhận các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản như Aeon, Bridgestone, Kyocera, Nipropharma, Fujixerox...; các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như LG (LGE, LGD, LG Innoteck...), Huyndai... các nhà đầu tư hàng đầu châu Âu, Mỹ như Rent-A-Port, Damen, GE... Đối với đầu tư trong nước, các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam cũng đã đến đầu tư nhiều dự án quan trọng và tiếp tục mở rộng đầu tư mạnh mẽ tại Hải Phòng, như Tập đoàn Vingroup với 8 dự án lớn có tổng vốn đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng, trong đó tiêu biểu là Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast công suất 500.000 xe/năm; Tập đoàn Sun Group đầu tư Quần thể du lịch sinh thái Cát Bà với hơn 12 điểm phát triển các dự án đầu tư; Tập đoàn Him Lam, BRG... với nhiều dự án phát triển du lịch lớn, quan trọng...
Nhờ sự đóng góp của hơn 30.000 doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là những tên tuổi vừa nêu, Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2017, GRDP tăng hơn 14%; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 21,6%; kim ngạch xuất khẩu tăng 22,18%... Đà tăng trưởng mạnh mẽ, toàn diện của Hải Phòng tiếp tục được dùy trì bền vững trong những tháng đầu năm nay, với GRDP (quý I) tăng hơn 15%; IIP tăng 23,78%... đều gấp hơn 2 lần bình quân chung của cả nước.
Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” TP Hải Phòng cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để làm tốt hơn nữa vai trò của mình đối với thủ đô Hà Nội và cả Vùng; tiếp tục nỗ lực để TP Hải Phòng có thể bổ trợ ngày càng tốt hơn cho thủ đô Hà Nội và các địa phương phía Bắc. TP cũng mong muốn Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành Trung ương tiếp tục giúp đỡ Hải Phòng và các địa phương bạn để có thể nhanh chóng triển khai các dự án giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa có tính kết nối vùng và tác động lan tỏa cao để khai thác hiệu quả các dự án trọng điểm đã được tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thành như Cảng cửa ngõ và cảng hàng không quốc tế tại Hải Phòng.
Đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bên cạnh lựa chọn đầu tư vào Hà Nội và các địa phương trong vùng, với những dự án đầu tư cần dựa vào lợi thế cửa chính ra biển của Hải Phòng, hay cần những chính sách ưu đãi cao nhất theo pháp luật hiện nay, xin hãy đến với thành phố Hải Phòng của chúng tôi.
Với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải rộng 22.540ha, gồm khu thuế quan và phi thuế quan, có hạ tầng, tiện ích đầy đủ, thuận tiện; với các khu công nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón tiếp các nhà đầu tư như: Deep C2 (hơn 620ha); Deep C3 (520ha); Nam Đình Vũ (hơn 1.200ha); Tràng Duệ (đang mở rộng thêm 600ha); VSIP (tổng diện tích gần 1.600ha)... các dự án đầu tư phát triển dịch vụ logistics hoặc dự án sản xuất, nhất là các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sẽ nhanh chóng tìm được mặt bằng phù hợp nhất để tiến hành đầu tư với các thủ tục nhanh gọn nhất.
Với các dự án đầu tư khác, thực hiện chiến lược phát triển của mình, bên cạnh thu hút các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hải Phòng đang tăng cường thu hút đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng thương mại cao cấp (các khu thương mại, khu mua sắm tiêu chuẩn quốc tế), phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch, dịch vụ giải trí cao cấp... để đưa Hải Phòng sớm trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao của vùng và cả nước.
Thành phố Hải Phòng luôn chào đón các nhà đầu tư, chính quyền thành phố cam kết luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi và hiệu quả nhất tại Hải Phòng.