Phó Thủ tướng Nga: Phương Tây bất ngờ với tốc độ hồi phục của Nga

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga đã đạt được chủ quyền kinh tế thực sự, khả năng theo đuổi chính sách độc lập và bảo vệ lợi ích quốc gia trước mọi áp lực từ bên ngoài.

Ngày 5/11, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrey Belousov cho biết khả năng hồi phục thần kỳ của Moscow trước áp lực trừng phạt chưa từng có của phương Tây đã khiến Mỹ và đồng minh phải dè chừng.

Ông khẳng định Nga đã đạt được chủ quyền kinh tế thực sự, khả năng theo đuổi chính sách độc lập và bảo vệ lợi ích quốc gia trước mọi áp lực từ bên ngoài.

Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrey Belousov. Nguồn: RT
Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrey Belousov. Nguồn: RT

“Phương Tây bị bất ngờ khi Nga vẫn đứng vững trước các lệnh trừng phạt. Thậm chí đất nước cũng đã từng được cảnh báo về việc sẽ đối mặt thảm họa tương tự những năm 1990”- Ông cho biết vào cuối tuần qua.

Năm 1992, Nga lần đầu tiên phải trải qua thời kỳ siêu lạm phát, với tỷ lệ lên tới 2.500%, sau sự sụp đổ của Liên Xô. Năm 1998, Moscow tiếp tục hứng chịu đợt vỡ nợ kỹ thuật – được xem là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

Khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, Mỹ và đồng minh đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có lên Moscow, chủ yếu liên quan đến hệ thống tài chính, hàng không và vũ trụ. Một số ngân hàng Nga đã phải rời khỏi Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế SWIFT, trong khi nhiều công ty nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực đã rời khỏi nước này.

Vào năm 2022, GDP của Nga đã giảm xuống 2,1% dưới tác động của các lệnh trừng phạt. Tuy vậy, Tổng thống Vladimir Putin cho biết tính đến tháng 10/2023, Moscow đã hoàn toàn hồi phục kinh tế sau đợt suy thoái này. Điện Kremlin cho biết GDP trong năm 2023 của Nga dự kiến sẽ tăng 2,8% bất chấp những áp lực về kinh tế.

Các tổ chức tài chính thuộc phương Tây đã thừa nhận sự phục hồi kinh tế của Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán GDP nước này sẽ đạt 2,2%, tăng lần lượt 0,7% và 1,5% so với các dự báo tháng 4 và tháng 7.

Ông Belousov cho biết Moscow đã bước vào thời kỳ củng cố chủ quyền từ năm 2022. Ông khẳng định rằng chủ quyền kinh tế không có nghĩa là bị cô lập, mà là khả năng quốc gia theo đuổi các chính sách và mục tiêu của mình trong một thế giới đang thay đổi.

Vị quan chức này cho biết yếu tố then chốt trong đảm bảo chủ quyền kinh tế là hợp tác quốc tế, nhằm nâng cao vị thế của một quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng quan trọng không kém như: hệ thống giáo dục và khoa học quốc gia vững mạnh, cơ sở hạ tầng hiện đại, bộ máy chính phủ hiệu quả, lạm phát và thâm hụt ngân sách thấp cũng như nguồn cung năng lượng, thực phẩm và nguyên liệu thô ổn định.