Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: EVN cần đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu EVN phải phát triển hạ tầng ngành điện đồng bộ, thông minh và hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Sáng 12/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã biểu dương những thành công mà EVN thực hiện được trong năm qua. Trước hết, EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng EVN đã làm rất tốt.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận những thành công mà EVN đạt được và cho rằng, nhiệm vụ năm 2021 và những năm tới của Tập đoàn là hết sức nặng nề. Ảnh: Khắc Kiên
Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của EVN đạt và vượt mục tiêu đề ra. Năm 2020, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, về tài chính, đảm bảo Công ty mẹ và các đơn vị đều có lãi (lợi nhuận công ty Mẹ ước đạt 1.527 tỷ đồng, nộp ngân sách 27.800 tỷ đồng).
Chỉ tiêu tổn thất điện năng ước đạt 6,42% vượt chỉ tiêu đề ra (6,5%), đứng thứ 3 khu vực ASEAN và đã tiệm cận với tổn thất điện năng của các nước phát triển.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, EVN cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cần phải khắc phục trong thời gian tới. Do vậy, Tập đoàn với nhiệm vụ năm 2021 và những năm tới là hết sức nặng nề.
Để đảm bảo an ninh cung ứng điện, cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN phải phát triển hạ tầng ngành điện đồng bộ, thông minh và hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phải khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng...
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khắc Kiên
EVN cũng cần chủ động để sản xuất được một số thiết bị chính trong ngành; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại; đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng; phải nâng cao hơn nữa khâu dịch vụ khách hàng, tiếp tục phát huy thành tích tiên phong phục vụ người dân và doanh nghiệp qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
“Để làm được điều đó, phải phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ quản lý hiện đại và chuyên môn hoá cao, hội nhập quốc tế; sản xuất kinh doanh điện năng, tư vấn điện có hiệu quả, phát triển bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh của tập đoàn, không chỉ trong nước mà ở cả khu vực và thế giới” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Đồng thời yêu cầu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh các thủ tục về quản lý vốn, tài sản, đầu tư xây dựng để EVN thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao; các địa phương cùng với EVN quản lý chặt chẽ các hồ, đập, công trình điện; tạo thuận lợi về mặt bằng để tập đoàn triển khai các công trình, dự án đúng tiến độ...
Theo Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành, tập đoàn sẽ quán triệt sâu sắc và triển khai tốt nhiệm vụ được giao. Trong 2021 và những năm tiếp theo, tập đoàn tiếp tục thực hiện mục tiêu quan trọng là đảm bảo cung ứng đầy đủ, an toàn và ổn định điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho 5 cá nhân, hạng Ba cho 1 cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Khắc Kiên
“Tập đoàn sẽ tiếp tục vượt qua thách thức dịch bệnh và thời tiết khó lường. Tập đoàn mong muốn nhận được sự hỗ trợ, quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ban ngành..., tiếp tục xây dựng tập đoàn lớn mạnh, có trách nhiệm cộng đồng, xã hội” - ông Dương Quang Thành nói.
Năm 2021, EVN đặt mục tiêu vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân; xây dựng kế hoạch cung cấp điện hàng tháng để điều hành hệ thống điện an toàn và tin cậy, khai thác hiệu quả các nguồn điện; chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi.
Theo báo cáo của EVN tại hội nghị, trong năm 2020, EVN gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: trong các tháng đầu năm nhu cầu điện tăng cao trong khi hệ thống điện gần như không có dự phòng về nguồn điện, đầu tư xây dựng gặp nhiều vướng mắc do các quy định hiện hành còn thiếu đồng bộ, khó khăn trong việc chuyển đổi đất rừng, giải phóng mặt bằng, thủ tục trong công tác thu xếp vốn... Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát và tình hình thiên tai bão lũ diễn ra liên tiếp đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng các dự án điện của EVN.
Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.430MW (tăng 11.780MW so với năm 2019) và chiếm tỷ trọng 25,3%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 23 thế giới.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân xuất sắc. Ảnh: Khắc Kiên
EVN đã hoàn thành tích hợp toàn bộ 12/12 dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia và là đơn vị tiên phong chuyển đổi dịch vụ thanh toán tiền điện sang nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các dịch vụ điện thuộc nhóm các dịch vụ nổi bật, được nhiều người sử dụng nhất, chiếm tỷ lệ 77,16% số yêu cầu cung ứng dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

EVN đã triển khai thí điểm việc tích hợp các hệ thống kỹ thuật và kinh doanh nhằm giảm số thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu cấp điện mới. Vì vậy, thời gian giải quyết các thủ tục cấp điện trung áp của Điện lực bình quân là 3,17 ngày, giảm 0,66 ngày so với năm 2019; Thời gian cấp điện qua lưới điện hạ áp bình quân cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố/thị xã/thị trấn là 2,27 ngày, khu vực nông thôn là 2,67 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,66 ngày.
Đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi tiếp tục được chú trọng, đặc biệt khu vực chưa có điện. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, các đơn vị đã chủ động thu xếp các nguồn vốn với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng để cấp điện cho gần 14.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Kon Tum, Bạc Liêu... 
Về cấp điện hải đảo, trong năm 2020, các tổng công ty điện lực đã hoàn thành các dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho xã đảo Nhơn Châu (Bình Định), đảo Trần (Quảng Ninh); triển khai dự án Cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) và tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cấp điện tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đáp ứng nhu cầu điện phục vụ đời sống của cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo.
Các tổng công ty điện lực đã tập trung thực hiện đầu tư lưới điện nông thôn góp phần nâng cao tỷ lệ số xã nông thôn đạt tiêu chí số 4 (tiêu chí về điện) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới lên 87,9%. Tính đến cuối năm 2020, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,54%; trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%.