Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chống dịch phải tranh thủ từng giờ, từng phút

Dương Tùng - Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chống dịch bao giờ cũng phải khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, đồng bộ nhất. Khi phát hiện ổ dịch thì phải tranh thủ từng phút, từng giờ, tránh tình trạng khi chống dịch có một số ý kiến ví von thời gian vàng là 7-10 ngày. Chúng ta phải tranh thủ từng giờ, từng phút” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Ngày 23/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã họp triển khai công tác phòng chống dịch dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tiếp tục thực hiện chiến lược truy vết thần tốc

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn các nội dung: Triển khai công tác xét nghiệm tầm soát tại những vùng nguy cơ và những trường hợp nguy cơ theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; công tác truy vết; xét nghiệm; triển khai tiêm vaccine phòng chống dịch; đưa công dân về nước; quản lý biên giới, đường mòn, lối mở, người nhập cảnh…

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, trong công tác phòng, chống dịch, phát hiện sớm là mấu chốt. Bộ Y tế cần đúc kết lại các bài học, xây dựng sơ đồ truy vết, sơ đồ cách ly thông minh để hướng dẫn các địa phương áp dụng phù hợp, hiệu quả khi xuất hiện tình huống. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kết hợp hài hoà giữa chiến lược tiêm ngừa vaccine với chiến lược phòng chống dịch, để phát huy hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Không thể tuyệt đối không có mầm bệnh trong cộng đồng” - Ảnh: VGP 

Đối với công tác xét nghiệm tầm soát, Ban Chỉ đạo cho rằng, Bộ Y tế phải hướng dẫn các địa phương triển khai đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; trong đó CDC địa phương phải giữ vai trò điều phối,…

Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quân y, việc xét nghiệm phải có sự quản lý của cơ quan nhà nước, phải là cơ quan chuyên môn. Tiếp tục thực hiện chiến lược truy vết thần tốc, khoanh vùng rộng, cô lập hẹp; cần nghiên cứu, áp dụng việc sử dụng test kháng nguyên nhanh để rút ngắn thời gian xét nghiệm sàng lọc.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những nước chống dịch hiệu quả nhất. Vì vậy, chúng ta phải kiên trì nguyên tắc, chiến lược chống dịch từ những ngày đầu. Trong từng thời kỳ thì chiến thuật thay đổi linh hoạt, nhưng chiến lược 5 bước Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch - Điều trị thì không thay đổi, đặc biệt là phát hiện, truy vết và bây giờ thêm sàng lọc cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm.

Tránh “ngăn sông cấm chợ”

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh Hải Dương tính toán cụ thể, khoa học trong việc triển khai xét nghiệm diện rộng cho công nhân các khu công nghiệp; xây dựng cỡ mẫu phù hợp, với đối tượng phù hợp, tập trung vào những nhóm, khu vực nguy cơ cao (bến xe, người buôn bán,…) để triển khai xét nghiệm tầm soát, bảo đảm vừa hiệu quả trong chống dịch, vừa hiệu quả về kinh tế.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh Hải Dương triển khai theo đúng hướng dẫn là xét nghiệm diện rộng có chỉ định; đề nghị tỉnh giao Sở Y tế chủ trì cùng với Sở LĐTB&XH, Ban Quản lý các khu công nghiệp đánh giá nguy cơ của từng nhà máy để làm căn cứ chỉ định xét nghiệm, chứ không phải xét nghiệm cho công nhân của tất cả các nhà máy đóng trên địa bàn. Về đối tượng nguy cơ cũng phải có chỉ định; về đơn vị xét nghiệm dứt khoát phải thông qua điều phối của CDC, thu giá xét nghiệm phải theo quy định của Bộ Y tế - Bộ Tài chính; tránh tình trạng chỉ định 1 đơn vị xét nghiệm;…

Về công tác phòng chống dịch nói chung, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế để đánh giá nguy cơ các nhóm, các khu vực để tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. Trước tiên là phải làm tốt việc khai báo y tế, từ đó mới truy vết, khoanh vùng, dập dịch, chứ không quá nặng việc truy tìm F0; đồng thời phải kết hợp với tuyên truyền vận động người dân cung cấp thông tin, phát giác ca bệnh; phát huy vai trò của các tổ chống dịch cộng đồng.

Quang cảnh cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19. Ảnh: VGP 

Để kết nối tiêu thụ hàng hoá của Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Bộ Công Thương đã làm việc với các nhà tiêu thụ lớn, họ đã sẵn sàng, nhưng hiện đang gặp khó khăn trong khâu tổ chức lưu chuyển.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng, các địa phương cần nhiên cứu quy định của trung ương đã ban hành để áp dụng đúng, tránh “ngăn sông cấm chợ”, ảnh hưởng tới sản xuất, dân sinh.

Về việc dạy học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, hiện đã có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cho học sinh đi học bình thường. Còn lại 8 tỉnh, trong đó có Hải Dương dự tính cho học sinh đi học trở lại từ 1/3 tới. “Hải Dương và các địa phương phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh yên tâm đưa con tới trường” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Chống dịch phải khẩn trương, quyết liệt

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của tỉnh Hải Dương cũng như các lực lượng chi viện của Bộ Y tế trong thời gian qua cùng với cả nước đã làm tốt công tác phòng chống dịch. Đến giờ phút này có thể nói về cơ bản dịch bệnh được kiểm soát tốt trên cả nước. Ngay cả Hải Dương, khi phân tích kỹ dữ liệu đến nay chỉ phát hiện 3 ca mắc COVID-19 tại cộng đồng không nằm trong các khu vực phong tỏa hay khu cách ly tập trung và cả 3 ca này đều đã truy vết được.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Hải Dương thời gian tới phải tiếp tục mũi xét nghiệm chính là truy vết, theo dấu ca bệnh. Đối với xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế phải có hướng dẫn, Hải Dương phải chỉ đạo rất cụ thể nhà máy, xí nghiệp nào, ở khu vực nào bắt buộc xét nghiệm cho công nhân mới được hoạt động để tránh lãng phí.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chi phí xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR tương đương với tiêm vaccine cho 2 người. CDC các địa phương phải có trách nhiệm điều phối hoạt động xét nghiệm. Tuyệt đối không để tình trạng yêu cầu tất cả các DN phải xét nghiệm COVID-19 cho công nhân mới được hoạt động không chỉ gây tốn kém chi phí mà còn tạo tâm lý đã xét nghiệm rồi lại muốn xét nghiệm tiếp, đặc biệt rất nguy hiểm là tâm lý có kết quả âm tính rồi thì chủ quan, mất cảnh giác.

“Vì vậy Ban Chỉ đạo quốc gia kiên trì phương châm huy động xét nghiệm có cả xã hội hóa nhưng dưới sự điều phối thống nhất của CDC các địa phương, Bộ Y tế tránh tình trạng xét nghiệm ồ ạt” - Phó Thủ tướng nói và đề nghị Bộ Y tế phối hợp, hỗ trợ Hải Dương làm mẫu để nhân ra cả nước.

Tại những điểm nguy cơ cao, có nhiều người qua lại như quán nước gần các khu công nghiệp, bệnh viện, bến xe, chợ… việc xét nghiệm tầm soát phải hết sức linh hoạt. Việc dệt tấm lưới tầm soát phải làm sao hiệu quả, tiết kiệm nhất, đòi hỏi sự tài trí, nhạy cảm của người chỉ huy trên chiến trường.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kể cả sau khi tỉnh Hải Dương đã hết dịch thì vẫn phải sẵn sàng cũng như các địa phương khác trong cả nước. Bởi vì với 100 triệu dân, đường biên giới rất dài, nền kinh tế mở, chúng ta vẫn phải đón chuyên gia nước ngoài vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì không ai có thể nói Việt Nam tuyệt đối không có mầm bệnh trong cộng đồng. Lúc nào chúng ta cũng phải sẵn sàng.

"Phòng, chống dịch bao giờ cũng phải khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, đồng bộ nhất. Khi phát hiện ổ dịch thì phải tranh thủ từng phút, từng giờ, tránh tình trạng khi chống dịch có một số ý kiến ví von thời gian vàng là 7-10 ngày. Chúng ta phải tranh thủ từng giờ, từng phút vàng ngọc và càng sớm thì càng quý giá” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần