Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn đối với mỗi doanh nghiệp… Doanh nghiệp cần hành động ngay, kịp thời, quyết liệt, khẩn trương để có thể đạt được kết quả cụ thể về đổi mới sáng tạo trong từng ngành, từng lĩnh vực. Mỗi doanh nghiệp phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo”.

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Diễn đàn CEO 2019 với chủ đề “Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo: Bứt phá từ tư duy đến hành động” tổ chức chiều 5/4.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Diễn đàn.
Đổi mới sáng tạo - yếu tố sống còn đối với mỗi doanh nghiệp
Phát biểu tại Diễn đàn CEO 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để các quốc gia, doanh nghiệp tiệm cận và bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số. Không thể chậm chễ hơn, các doanh nghiệp phải xác định Đổi mới sáng tạo là động lực và giải pháp tối ưu nhằm nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên sử dụng internet kết nối vạn vật, chuyển hóa thế giới thực thành thế giới số. Cuộc cách mạng này tác động mạnh mẽ tới kinh tế - xã hội và môi trường trên toàn thế giới và tác động tới tất cả các ngành, lĩnh vực với tốc độ đột phá chưa từng có trong lịch sử.
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nên không nằm ngoài cuộc cách mạng mang tính toàn cầu. Trong cuộc cách mạng này, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng có cơ hội và vận hội mới để bứt phá và rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước. Với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn đối với mỗi doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Đảng và Nhà nước chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và sự cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ ngày càng cải thiện thực chất hơn môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đang tổng kết thực tiễn để hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng chiến lược thu hút và sử dụng có hiệu quả FDI thế hệ mới đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 5G, xây dựng khuôn khổ thể chế để thí điểm mô hình kinh doanh mới như thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, cho vay ngang hàng P2P và các mô hình kinh tế chia sẻ.
Trong năm 2019, Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT phối hợp với các cơ quan hữu quan để xây dựng Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đầu tiên của Việt Nam dự kiến tại KCN Láng - Hòa Lạc. Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp đã thể hiện sự chuyển động tích cực, mạnh mẽ về đổi mới, sáng tạo ở trong chính tư duy và hành động cụ thể của CEO, những người hàng ngày chèo lái con thuyền và đưa doanh nghiệp hướng tới phát triển.
Doanh nghiệp phải gắn kết và đi cùng nhau
Diễn đàn với 2 phiên thảo luận không thể lắng nghe và phản ánh tiếng nói của các CEO ở tất cả các ngành nghề và lĩnh vực… Tuy nhiên, có thể tiếp tục làm điều này thông qua các cơ quan báo chí để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.
“Bứt phá là thông điệp của Chính phủ để triển khai tới tất cả bộ, ngành và địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội 2019 và góp phần thành công vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Do đó, chủ trương đã rõ, yêu cầu rất cấp thiết, từ đổi mới bứt phá về tư duy, doanh nghiệp  cần hành động ngay, kịp thời, quyết liệt, khẩn trương để có thể đạt được kết quả cụ thể về đổi mới sáng tạo trong từng ngành, từng lĩnh vực. Mỗi doanh nghiệp phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo và trong sự nghiệp này, để thành công, doanh nghiệp không thể đi một mình mà phải gắn kết và đi cùng nhau. Chính phủ, bộ ngành và địa phương cam kết, sát cánh đồng hành với doanh nghiệp trong sự nghiệp đầy khó khăn thách thức nhưng rất nhiều tiền đồ và tương lai phía trước.
Sáng 6/4, Chương trình Lễ công bố & vinh danh TOP 100 Doanh nghiệp Rồng Vàng & Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2018 được tổ chức tại Hà Nội. TOP 10 Doanh nghiệp Rồng Vàng năm 2018 gồm các thương hiệu Siemens Việt Nam, Samsung Việt Nam, Toyota Motors, City Bank Việt Nam, Prudential, RMIT, DHL, KPMG, Gamuda Land và Tập đoàn Alphaking. TOP 10 Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2018 được trao cho các thương hiệu Viettel, Vietcombank, BIDV, Sun Group, Tập đoàn TH, FLC, TVP, Công ty địa ốc Phú Long, Vissan & TBS Group.