Phó Viện trưởng CIEM: Kịch bản bất động sản nửa cuối năm khó “tươi sáng”

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thẳng thắn đánh giá việc Nhà nước không “ủng hộ” cũng không “hạn chế” khiến giao dịch công cụ phái sinhcondotel và officetel liên tục đi ngang.

 Ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM)
Vị này cũng chỉ ra nhiều dấu hiệu không mấy khả quan của thị trường bất động sản nửa năm đầu 2018 và 6 tháng cuối năm. Xuất phát từ việc các nguồn đầu tư trong và ngoài nước bị suy giảm.
Thứ nhất, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua không như mong muốn, với sự suy giảm khoảng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Căn nguyên do diễn biến hòa bình bán đảo Triều Tiên nên những nhà đầu tư mới của Hàn quốc không mang hết lực lượng sang Việt Nam. Trong khi đó, nguồn đầu tư của các nhà đầu tư tự do cũng không khả quan do lo ngại chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc.
Thứ hai, đầu tư trong nước không còn tình trạng đầu tư ráo riết khi những vùng phát triển nóng như phía Đông TP Hồ Chí Minh hay Tây Hà Nội “chững” lại. Đáng chú ý nhất nằm ở nguồn cung dồi dào của sản phẩm condotel và officetel vốn được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng có vẻ như không được Nhà nước “bật đèn xanh”. Mới đây nhất, nhà máy Sam sung “khủng” vừa được triển khai Ấn độ, không tiếp tục mở rộng ở Thái Nguyên cũng đang khiến cho “đà” bất động sản công nghiệp chậm lại.
Thứ ba, sau khi tăng kỷ lục trong tháng Tư với 1.200 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục biến động chưa từng thấy trong hơn 8 năm qua. Chỉ số này, từng được xem là ổn định nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương chỉ vài tháng trước. Nay vào thời điểm 13/7, giảm mạnh xuống 900 điểm, phần chốt lời chuyển sang kinh tế không còn. Thị trường chứng khoán được ví như tấm gương phản ánh tình hình kinh tế, nếu nền kinh tế chưa có dấu hiệu sáng sủa, có những vấn đề hay nói cách khác giống như cơ thể bị bệnh, chỉ số chứng khoán sẽ phản ánh như vậy.
 Trong chu kỳ của bất động sản, vai trò của năm 2018 khá mờ nhạt
Cuối cùng, nguồn tiền đầu tư công giải ngân chậm, vẫn ở giai đoạn “lừng khừng”. Điển hình là đầu tư công không có trọng tâm, trọng điểm, nhiều dự án không thật sự cần thiết cho hỗ trợ phát triển kinh doanh, tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Từ những lập luận trên, theo Phó Viện trưởng CIEM, thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm nhiều khả năng đi ngang và có phần giảm sút. “Đây là kịch bản ít người mong muốn nhưng hoàn toàn có thể xảy ra khi diễn tiến tình hình thế giới xảy ra còn tiềm tàng sự bất ổn hoặc nền kinh tế trong nước có thể xảy ra bất kỳ trục trặc nào.” – ông Trần Kim Chung nhấn mạnh.