Phối hợp cùng Hà Nội để thúc đẩy sự phát triển

Hà Bình (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm vừa qua, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự Đảng một số Bộ để đánh giá về kết quả công tác phối hợp, cũng như đưa ra định hướng trong thời gian tới, cùng tháo gỡ những khó khăn trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, đô thị, thông tin truyền thông, nông nghiệp… Trong đó, các Bộ trưởng đã có những phát biểu sâu sắc, tâm huyết với Hà Nội, đồng thời cam kết cùng TP tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực quản lý để cùng thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của TP, nâng cao đời sống Nhân dân.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Phối hợp chặt chẽ trong xúc tiến đầu tư

Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó diện mạo Thủ đô ngày càng thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại, năng động. Đặc biệt dù bị tác động của dịch Covid-19, song Hà Nội vẫn đạt được tăng trưởng tốt, trong đó chất lượng tăng trưởng lớn, năng suất lao động cao. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp… Tuy nhiên, TP chưa khai thác hết những tiềm năng, cơ hội, chưa tạo ra những cú hích mang tính đột phá để phát triển mạnh mẽ hơn; hoạt động đổi mới sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng phát triển… Tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông, hạ tầng kỹ thuật... Trong quy hoạch, cần lưu ý xác định Hà Nội là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, thị trường tiêu thụ cung cấp các dịch vụ hậu cần, làm bệ đỡ cho vùng trung du miền núi phía Bắc. Như vậy, cần tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng sớm, hiện đại.

Bộ KH&ĐT ủng hộ ý tưởng của TP về việc xây dựng các tuyến giao thông mới, tạo thành các hành lang kinh tế, các trục phát triển, sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, trong đó có các tuyến đường sắt đô thị, các cầu, đường vành đai... Đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong xúc tiến, thu hút đầu tư, giới thiệu cho Hà Nội những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, sử dụng ít đất nhưng mang lại giá trị gia tăng lớn; phối hợp, hỗ trợ Hà Nội tối ưu hóa các điều kiện đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường cho DN; đồng thời ưu tiên hỗ trợ các DN của Hà Nội trong thực hiện chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Nội lực của Hà Nội ổn định, bền vững
Tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tốc độ tăng thu hàng năm và cơ cấu thu nội địa của Hà Nội khá bền vững nhưng thu nội địa của Hà Nội vẫn đạt gần 80%. Thu nội địa của Hà Nội bình quân tăng 9,7%, trong khi cả nước đạt 8,8% và thu nội địa của Hà Nội chiếm 21% cả nước (Hà Nội thu nội địa khu vực Nhà nước chiếm khoảng 22%, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 10%, khu vực ngoài quốc doanh chiếm 18%, thuế thu nhập cá nhân chiếm 10%, thu tiền sử dụng đất chiếm 14%). Thu nội địa tăng cao và liên tục chứng tỏ nội lực của Hà Nội ổn định, bền vững.

Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, TP xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tài chính - ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với định hướng chung của kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia. Tiếp tục có giải pháp hiệu quả cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; khai thác tiềm năng thế mạnh, sức cạnh tranh của TP để thu hút thêm vốn đầu tư, tạo nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, tiếp tục có các giải pháp hiệu quả cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khai thác tiềm năng, thế mạnh, sức cạnh tranh của TP để thu hút thêm vốn đầu tư, nhất là đầu tư công nghệ cao gắn với hoạt động của các Trung tâm nghiên cứu - phát triển, tạo cơ sở tăng thu ngân sách Nhà nước bền vững. Hà Nội cần đẩy mạnh phân cấp cho các sở, ngành, quận, huyện chủ động các nguồn lực, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện thí điểm chính quyền đô thị. Phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh cổ phần hóa DN Nhà nước theo đúng kế hoạch. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá trên địa bàn. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, nhất trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai, dịch vụ công.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng:Hai lĩnh vực để Hà Nội phát triển mạnh mẽ

6 lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ tựu chung lại là hai nhóm lĩnh vực: Hạ tầng số và báo chí, truyền thông. Báo chí, truyền thông có sức mạnh tạo ra khát vọng và sự đồng thuận xã hội. Nhưng, muốn phát triển đất nước phải dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hai lĩnh vực này sẽ là “đôi cánh” để Hà Nội phát triển. Đây cũng là cơ sở để thu hút các DN nước ngoài vào đầu tư tại Thủ đô. Hà Nội nên gắn việc phát triển đô thị thông minh với chuyển đổi số và Bộ sẽ đồng hành với Hà Nội để thực hiện mục tiêu này. Bên cạnh đó, TP cũng cần chú ý đẩy mạnh cơ chế đặt hàng cho báo chí, nhằm giúp các cơ quan báo chí bảo đảm công tác tuyên truyền, phát triển bền vững…

Về ứng dụng CNTT như Chính phủ điện tử, Hà Nội nên đặt mục tiêu 100% với mức độ 4, Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng TP để hoàn thành trong năm 2021. Đối với Chính phủ số sẽ sinh ra nhiều dịch vụ mới nhằm phục vụ người dân. Đô thị thông minh chính là việc đưa công nghệ vào mọi mặt trong cuộc sống từ giáo dục, y tế đến giao thông. TP Hà Nội cũng cần phối hợp với Bộ TT&TT đi đầu về xác định danh tính trên không gian mạng từ đó sẽ giúp triệt tiêu các thông tin xấu độc, chống phá chế độ đang tồn tại trên mạng xã hội. Bên cạnh đó cũng xây dựng Hà Nội thành TP hàng đầu về an toàn an ninh mạng không chỉ của Việt Nam mà còn là của cả thế giới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Ưu tiên đầu tư hạ tầng cho thương mại điện tử

Hà Nội vừa là trung tâm sản xuất lớn, nhưng đồng thời cũng là địa bàn của các DN đầu mối xuất khẩu lớn của cả nước. Do vậy, nếu các DN của Hà Nội tận dụng tốt các FTA sẽ có ý nghĩa và tác dụng rất lớn để các địa phương và DN khác trong Vùng và trong cả nước cùng làm tốt. Bộ Công Thương đã có báo cáo rất cụ thể với Chính phủ về kế hoạch triển khai các FTA này, đồng thời đã triển khai nhiều hoạt động lớn trên địa bàn Hà Nội để tổ chức thực thi các cam kết hội nhập. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng Hà Nội để triển khai mạnh mẽ hơn các hoạt động này.

Riêng về lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số, mặc dù còn bất cập về thể chế, chính sách nhưng lĩnh vực này đang phát triển mạnh mẽ. Bộ Công Thương mong muốn Hà Nội sẽ tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cho loại hình thương mại này, coi đây là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của TP trong giai đoạn tiếp theo. Đây chính là cơ hội để tạo động lực mới và không gian mới rộng lớn hơn cho phát triển của Hà Nội thời gian tới. Đồng thời hỗ trợ các DN bán lẻ nội địa tiếp cận mặt bằng, logistics… để từ đó thâm nhập hệ thống bán lẻ quốc tế.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Nhìn vào Hà Nội là biết chính sách đang gặp vướng mắc gì

Hà Nội là một đô thị lớn với tốc độ đô thị hóa nhanh, chỉ cần nhìn vào Hà Nội là biết được chính sách Nhà nước đang gặp vấn đề vướng mắc gì. Từ mục tiêu về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng trước đây rất khó khăn hay các vấn đề về môi trường còn nhiều tồn tại và phát sinh mới, Hà Nội đều đã và đang giải quyết được. Ngay như đại dịch Covid-19 mặc dù là địa bàn có diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng Hà Nội đã xử lý rất tốt, chứng tỏ khả năng lãnh đạo điều hành của lãnh đạo Hà Nội.

Qua nắm bắt thực tế, Bộ TN&MT thấy môi trường Hà Nội đang phải đối mặt với các vấn đề về chất thải sinh hoạt, chất thải rắn, xử lý nước thải và chất lượng không khí. Hay vấn đề quản lý đất đai, Hà Nội có nhiều loại hình đất đai, trong khi đó lại là nơi có sự phát triển đa ngành nghề, nhất là các ngành nghề sử dụng dịch vụ đất thực sự đa dạng cho thấy Hà Nội đang có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đây là hạn chế, bất cập nhưng cũng lại là cơ hội để Hà Nội có sự bứt phá trong việc đưa ra những quyết sách phù hợp để giải quyết. Trong vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường, chúng ta đang thiếu tính chủ động. Đối với hoạt động bảo vệ môi trường không chỉ có Nhà nước mà phải có sự tham gia của rất nhiều đối tượng cùng tham gia. Vì vậy, Hà Nội cần huy động được sức mạnh tập thể của cả cộng đồng để bảo vệ môi trường.

Đối với vấn đề quản lý đất đai, đề nghị Hà Nội cần quan tâm đến cán bộ quản lý đất đai từ cấp phường xã, tránh sự nhũng nhiều, buông lỏng quản lý để việc thực hiện việc quản lý, sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà: Tăng ủy quyền để giảm thời gian cấp phép xây dựng

Từ khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã trở thành đô thị đứng thứ 30 trong số 40 đô thị đông dân nhất thế giới. Những vấn đề về phát triển hạ tầng đô thị tạo ra thách thức lớn đối với chính quyền TP. Trong đó, đối với mô hình phát triển đô thị, sau 10 năm phát triển thì mô hình “chùm đô thị” đó là đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm đã bộc lộ những hạn chế về hiệu quả sử dụng đất, sử dụng nguồn lực, chưa đáp ứng về gia tăng dân số nhanh và chưa giải quyết được vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nên cần phải có sự thay đổi về mô hình cho phù hợp. Ngoài ra, cần phải có sự thay đổi về tổ chức không gian đô thị như việc phát triển công trình ngầm của đô thị.

Về vấn đề nhà ở, trong nhiệm kỳ tới, Hà Nội cần xóa sạch nhà ở đơn sơ, bán kiên cố. Đối với nhà tập thể, chung cư cũ, Hà Nội đang có 1.579 khu nhà chung cư cũ, đã có một số nhà đầu tư tham gia đầu tư, nhưng vấn đề vướng mắc duy nhất là cơ chế pháp lý. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng sẽ làm việc cụ thể với Hà Nội trên tinh thần vướng về thông tư, nghị định sẽ đề xuất sửa đổi và những vướng mắc về luật, xin cơ chế đặc thù để thí điểm…

Bộ Xây dựng cam kết, thời gian tới sẽ tăng cường hiệu quả công tác phối hợp với TP Hà Nội ở 3 hướng: Tập trung giải quyết những vấn đề lớn; Tăng cường phân cấp, ủy quyền tối đa cho Hà Nội trong việc thực hiện thẩm quyền giải quyết thủ tục xây dựng; Đơn giản hóa và giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Bộ sẽ giảm ít nhất một nửa thời gian giải quyết thủ tục, cho ý kiến theo quy định khi có đề nghị của Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Hình thành trung tâm công nghệ nông nghiệp

Thời gian qua, TP Hà Nội đã nhìn ra vai trò, tầm quan trọng của “tam nông”, tập trung chỉ đạo quyết liệt bằng các chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy. Giai đoạn tới, Hà Nội cần nỗ lực để hoàn thành hai sứ mệnh: Sứ mệnh cho mình (đáp ứng nhu yếu phẩm cho 10 triệu dân đảm bảo ngon nhất, an toàn nhất) và sứ mệnh trung tâm (địa thế, nguồn nhân lực). Theo đó, Hà Nội phải trở thành trung tâm công nghệ nông nghiệp, trung tâm chế biến nông sản và cần nhận dạng để định hướng phát triển đúng sứ mạng. Nông nghiệp Hà Nội phải có tính lan tỏa, đáp ứng nhu cầu không chỉ cho Hà Nội mà còn cả nước. Nông dân của Hà Nội phải là nông dân 4.0, thu hút được người tài vào tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp…
Liên quan đến quy hoạch phòng chống lũ của hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sau khi có Luật Quy hoạch, việc thực hiện Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai. Trên cơ sở nguyên tắc của quy hoạch, Bộ NN&PTNT sẽ cùng TP tập trung rà soát, để tiến tới chỉnh trang lại vùng bãi sông làm sao có thể quản trị tốt về mặt tổng thể, nhất là trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một phức tạp hiện nay nhưng vẫn tận dụng được nguồn tài nguyên và bảo đảm an sinh xã hội.