Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Kinh nghiệm từ Hà Lan

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 1997, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện tại Hà Lan. Tuy nhiên, ngay trong năm 1998, quốc gia này đã khống chế thành công dịch bệnh. Đến nay sau hơn 20 năm, Hà Lan chưa tái phát DTLCP.

 Vệ sinh chuồng nuôi phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Lâm Nguyễn
Tạo vành đai cách ly an toàn

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, chỉ sau gần 7 tháng bùng phát, DTLCP đã lây lan ra 62/63 tỉnh, TP, khiến hơn 4 triệu con lợn bị tiêu hủy. Đáng chú ý, dù đã có khoảng 2.500 xã tại 350 quận, huyện có DTLCP qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh nhưng vẫn còn 400 xã thuộc 196 quận, huyện trên cả nước tái phát dịch bệnh sau 30 ngày. Đây là mối lo rất lớn với ngành chăn nuôi.
Kinh nghiệm trong phòng, chống bệnh DTLCP của Hà Lan là cần có sự hợp tác tích cực giữa các bên liên quan, đặc biệt là Chính phủ, các tổ chức, DN, viện nghiên cứu. Đồng thời, linh hoạt điều chỉnh chính sách kiểm soát khi có sự thay đổi trong thái độ, nhận thức của xã hội và điều kiện kỹ thuật cho phép.

Trưởng đại diện Cơ quan Thú y Hà Lan Christianne Bruschke

Trong khi đó tại Hà Lan, DTLCP xuất hiện vào năm 1997 đã khiến hàng chục triệu con lợn tại 1.629 trang trại trên toàn lãnh thổ nước này bị tiêu hủy, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Tuy nhiên, chỉ hơn một năm sau khi xuất hiện, dịch bệnh nguy hiểm này đã được Hà Lan khống chế thành công, đặc biệt là không tái phát kể từ thời điểm đó cho tới nay.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác phòng, chống DTLCP, bà Christianne Bruschke – Trưởng đại diện Cơ quan Thú y Hà Lan cho biết, ngay khi có sự xâm nhập của DTLCP, Hà Lan đã “đóng cửa quốc gia” trong 72 giờ để thu thập thông tin về dịch tễ, mầm bệnh cũng như triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm không có giết mổ, vận chuyển, lây lan thêm dịch bệnh.

Hà Lan cũng ngay lập tức tổ chức tiêu hủy phòng ngừa tại các trang trại chăn nuôi lợn trong bán kính 1km từ vùng ổ dịch, nhằm tạo vành đai cách ly an toàn dịch bệnh. Cụ thể, khi DTLCP xuất hiện năm 1997, Chính phủ nước này không chỉ tiêu hủy lợn tại 429 trang trại bị nhiễm bệnh, mà còn tiêu hủy cả lợn tại hơn 1.200 trang trại khác trong vòng bán kính 1km.

Đề cao trách nhiệm của người chăn nuôi

Hiện, tại Hà Lan có tổng số 130 triệu động vật nuôi, trong đó, có khoảng 12,6 triệu con lợn. Tuy nhiên, quốc gia này không chủ trương tổ chức chăn nuôi nhỏ lẻ, mà thay vào đó là tập trung phát triển trang trại. Các vùng sản xuất đều có kế hoạch dự phòng dịch bệnh động vật. Ở đó, Chính phủ chú trọng chính sách “tiêm chủng để sống”, tức là không chờ đợi khi phát hiện dịch bệnh mới chống. Cũng theo bà Bruschke, các chính sách thú y ở Hà Lan đề cao vai trò, trách nhiệm của người chăn nuôi; hướng tới việc bảo vệ sức khỏe con người và động vật. Đồng thời, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, trên cơ sở bảo đảm thương mại an toàn và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại Việt Nam. Tính đến đầu năm 2019, Việt Nam có tổng đàn lợn khoảng 32 triệu con, đứng đầu khối các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thứ 2 châu Á. Chăn nuôi lợn đã dần hình thành chuỗi giá trị tuy nhiên cũng đứng trước nhiều nguy cơ dịch bệnh, mà điển hình là DTLCP đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi cả nước. Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống DTLCP với các quốc gia đã khống chế thành công dịch bệnh này, trong đó có Hà Lan.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, DTLCP hiện vẫn chưa được khống chế, trong khi việc sản xuất vaccine phòng, chống vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Chính vì vậy, những kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh động vật của Hà Lan, cũng như các quốc gia từng xảy ra DTLCP sẽ rất hữu ích đối với Việt Nam trong việc nghiên cứu, xây dựng vành đai an toàn ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.