Phòng, chống cháy nổ tại huyện Đan Phượng: Quyết liệt giám sát, xử lý vi phạm

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận thức rõ mối nguy hại do cháy nổ gây ra, những năm gần đây, Công an huyện Đan Phượng đã quyết liệt chỉ đạo đội nghiệp vụ phối hợp với Công an 16 xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhất là tại các làng nghề. Thậm chí, có nhiều trường hợp còn bị đình chỉ sản xuất.

Họp giao ban đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Tăng cường tuyên truyền
Thượng tá Đặng Trung Kiên - Phó trưởng Công an huyện Đan Phượng cho biết, các cơ sở chế biến gỗ tại làng nghề xã Liên Hà, Liên Trung… có diện tích sản xuất, kinh doanh nhỏ, chủ cơ sở tận dụng tối đa mặt bằng để tập kết nguyên vật liệu, hàng hóa, máy móc. Bên cạnh đó, một số gia đình duy trì nghề truyền thống làm đồ gỗ nhưng chủ hộ chưa quan tâm, chú trọng đến công tác PCCC. Đây là những nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ cháy, nổ trên địa bàn thời gian qua.

Thực tế hiện nay, qua khảo sát của phóng viên, phần lớn các hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề chế biến gỗ trên địa bàn huyện Đan Phượng có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít nên nhà xưởng thường làm tạm bợ, dây chuyền sản xuất lạc hậu, máy móc, thiết bị chưa được kiểm định về chất lượng. Cùng với đó, hệ thống điện không được cải tạo thường xuyên hoặc thiết bị điện không đảm bảo các yêu cầu về PCCC cũng làm tăng thêm nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

Để giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại, ngay từ đầu năm 2020, UBND huyện Đan Phượng đã quyết liệt chỉ đạo Công an huyện, quân sự huyện, Công ty điện lực, Phòng GD&ĐT cùng 16 xã, thị trấn tổ chức 67 lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ cho gần 4.000 người. Đồng thời, kiểm tra, hướng dẫn, trao đổi thông tin thường xuyên liên quan tới công tác PCCC ở cơ sở. Nhờ đó, số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra đã giảm rõ rệt.

Xử lý nghiêm vi phạm

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, những năm gần đây, lãnh đạo huyện đã quyết liệt chỉ đạo, giám sát công tác kiểm tra, xử lý DN, cá nhân cố tình không chấp hành thực hiện quy định trong công tác PCCC. Qua tuyên truyền, vận động, xử phạt, thậm chí cương quyết đình chỉ hoạt động sản xuất hàng loạt cơ sở đã giúp người dân, DN thay đổi nhận thức, quan tâm, đầu tư cho công tác PCCC. Cùng với đó, công tác kiểm tra, diễn tập PCCC cho người lao động tại các cơ sở sản xuất cũng được tổ chức thường xuyên.

Theo Thiếu tá Đỗ Xuân Cường - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an huyện Đan Phượng), từ đầu năm 2020 đến nay, Công an huyện tập trung rà soát, đánh giá thực trạng 6 cụm công nghiệp, làng nghề cùng khu dân cư chuyên sản xuất đồ gỗ. Đồng thời, kiểm tra 826 cơ sở, phát hiện 425 tồn tại, thiếu sót về PCCC. Qua đó, yêu cầu cơ sở khắc phục 3.660 kiến nghị trong PCCC. Nhờ vậy, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn huyện chỉ xảy 4 vụ cháy nhỏ, thiệt hại tài sản không đáng kể. So với cùng kỳ năm 2019 giảm 3 vụ, giảm thiệt hại hơn 600 triệu đồng.

“Đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, đề ra các chủ trương, biện pháp chỉ đạo công tác PCCC. Phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn PCCC. Tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình đối với những cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy nổ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, DN để coi trọng công tác PCCC với phương châm chữa cháy tại chỗ” - Thiếu tá Đỗ Xuân Cường nhấn mạnh.