Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Bịt kín những khoảng trống

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chấn chỉnh ngay những khuyết điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là yêu cầu một lần nữa được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh với các bộ, ngành, địa phương.

Cùng với nhiều giải pháp được đưa ra, việc kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng… là vấn đề được nhấn mạnh.

Tăng cường cải cách hành chính tại Cục Thuế TP Hà Nội. Ảnh: Nha Trang  
Tăng cường cải cách hành chính tại Cục Thuế TP Hà Nội. Ảnh: Nha Trang  

Nhìn từ năm 2022 cũng như những năm qua cho thấy, kết quả phòng chống tham nhũng (PCTN) đã thể hiện rõ sự quyết liệt, tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Liên tục các vụ việc được phát hiện, các cá nhân bị xử lý. Không chỉ những vụ việc mới phát sinh, cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, cả khu vực công và khu vực tư cũng đã được tập trung đi sâu làm rõ bản chất; xử lý nghiêm minh, công khai sai phạm. "Làm một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực” như nhiều ý kiến đã nhận định.

Những con số cũng cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay đã có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (trong đó xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người). Chính điều này, có tác dụng rất lớn trong việc cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.

Song cần thấy tham nhũng ngày càng tinh vi, càng phức tạp để đối phó với cơ quan chức năng. Như có ý kiến đã ví “mình cứ ra cái khiên này thì nó lại có cái mác khác”. Theo dõi việc kỷ luật, truy tố, xét xử nhiều cán bộ và lãnh đạo DN thời gian qua cho thấy, đa số đều vi phạm ở lĩnh vực pháp luật liên quan đến đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, đất đai, tài sản công, tài chính công, xã hội hóa, ngân hàng, tài chính, chứng khoán, trái phiếu DN... Điều đó càng đòi hỏi việc kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn.

Nhiều giải pháp được người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực thi quyết liệt hơn. Trong đó, cùng với tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước, kịp thời khắc phục ngay những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, việc tăng cường kiểm soát quyền lực bằng cơ chế, chính sách để PCTN, tiêu cực cũng được nhấn mạnh.

Đúng như quan điểm, phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng, nhưng phòng ngừa mới là chính, là cơ bản, lâu dài, do đó, việc kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên rất quan trọng. Bởi tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. PCTN là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, đơn vị... Vì vậy, việc có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, cùng với đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, “nói đi đôi với làm”, “làm đi đôi với nói” của lãnh đạo chủ chốt – tạo chỗ dựa vững chắc, tạo động lực to lớn để ngăn ngừa, đấu tranh với sai phạm.

Đồng thời với đó, khi cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc vi phạm... được thực thi hiệu quả hơn để "không dám và không thể tham nhũng", mỗi người đều sẽ thấy rằng, nếu tham nhũng sẽ phải trả giá rất đắt cả về cuộc sống, sinh mệnh và danh dự. Việc bịt kín những khoảng trống, "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực" và xây dựng được văn hóa liêm chính, không tham nhũng sẽ tạo bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa trong PCTN, tiêu cực.