Phòng, chống tham nhũng và những bước đột phá mới

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí và toàn xã hội đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra công tác cải cách hành chính  tại Sở Nội vụ Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Sở Nội vụ Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Tại Hà Nội, nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai, qua đó góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và mang lại hiệu quả thực tiễn.

Kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra phương châm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”. Quán triệt, triển khai phương châm đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược, vừa có trọng tâm, trọng điểm, ngày càng đi vào xử lý về bản chất, gốc rễ của vấn đề tham nhũng, tiêu cực. Đây chính là nhân tố thúc đẩy, tạo đột phá mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây”.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra trên 7.800 vụ án/hơn 15.200 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Nhiều vụ nghiêm trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đã được đưa ra xử lý nghiêm minh được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Cùng với sự ráo riết, quyết liệt của T.Ư, đến nay, sức nóng của “lò lửa” chống tham nhũng đã được truyền xuống các địa phương, tạo nên sự chuyển biến rất tích cực trong việc chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức cho biết, tại TP Hà Nội, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU khóa XVII về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025" và sau 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Công tác xây dựng, ban hành các văn bản và tổ chức triển khai hiệu quả các biện pháp, giải pháp phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hệ thống chính trị của TP được chú trọng.

Cụ thể, Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành trên 80 văn bản; xây dựng 15 chuyên đề triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý và chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, triển khai các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng, lãng phí, TP đã ban hành 77 văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương, đơn vị ban hành 39 văn bản; tiến hành 1.215 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 1.154 trường hợp. Qua kiểm tra công vụ, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ, xử lý kỷ luật 72 trường hợp.

Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa nhiều vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Báo chí góp phần xây dựng văn hóa liêm chính

Theo lãnh đạo TP, trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình số 10- Ctr/TU, các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều giải pháp trọng tâm sẽ được triển khai. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để không tạo kẽ hỡ, dễ lợi dụng; phát huy mạnh mẽ vai trò của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân trong công tác giám sát việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đặc biệt, tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, nhất là thanh tra công vụ, kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ đầu sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Cùng với đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ; các quy chế, quy trình xử lý công việc tại các cơ quan, đơn vị và phải được công khai, minh bạch hóa để các tổ chức, đơn vị và toàn thể Nhân dân cùng giám sát...

Theo đánh giá của lãnh đạo TP, trong những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cũng như để góp phần thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới, báo chí đã phát huy vai trò rõ nhất, xung kích đi đầu vai trò.

Các cơ quan báo chí trong những năm qua đã thực sự trở thành “tai, mắt của Đảng, tiếng nói của Nhân dân”; phản ánh trung thực, khách quan mọi mặt đời sống xã hội, từ đó góp phần phát hiện, tố giác, vạch trần nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp; giáo dục, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong toàn Đảng, toàn dân, biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt; phản bác các luận điệu sai trái, thù địch… Báo chí đã thể hiện vai trò là kênh phản biện xã hội, phát hiện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội; chủ động đưa ra những thông tin dự báo, đề xuất kiến nghị, góp phần vào công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị trên địa bàn.

Từ những thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đã góp phần giúp cho các cơ quan chức năng có thêm căn cứ, bằng chứng để điều tra, xác minh các vụ việc tham nhũng. Mặt khác, những thông tin về tham nhũng, tiêu cực trên báo chí là tiếng nói của công luận để tạo ra áp lực dư luận xã hội nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề báo chí đã nêu ra. Thực tế, nhiều vụ việc về tham nhũng tưởng như bị chìm vào quên lãng, nhưng đã được đưa ra ánh sáng và xử lý đúng người, đúng tội nhờ có sự đóng góp của báo chí.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng còn rất dài và gian nan. Trong thời gian tới, để góp phần cùng TP thực hiện tốt công tác này, cùng với cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình trong giám sát, phản biện xã hội, góp phần tạo thêm những bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 

Năm 2023, Ban Chỉ đạo Thành ủy đã đưa 36 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo; tập trung chỉ đạo xử lý 64 vụ việc, vụ án; chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan tố tụng hai cấp TP giải quyết xong, đưa ra khỏi diện theo dõi 13 vụ án. Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm 9 vụ án Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo. Đây đều là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp; kết quả xét xử vụ án theo đúng tinh thần: “Không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, được dư luận Nhân dân đồng tình ủng hộ.