Phòng dịch, không thể lơ là

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến cuối tuần này chúng ta đã trải qua gần 70 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Về cơ bản, dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tái xâm nhập luôn thường trực trong bối cảnh số lượng ca mắc trên thế giới liên tục gia tăng. Ngoài ra, sắp tới mùa Đông, Xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan.

 Ảnh minh họa
Với tinh thần không để người dân chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc nơi công cộng ở hai thành phố có mật độ dân số cao là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh có thể quay trở lại.

Tại cuộc họp chiều 2/11, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 cũng nhấn mạnh yêu cầu phải thực hiện nghiêm các quy định về đeo khẩu trang theo đúng chỉ thị của Thủ tướng, coi đây là biện pháp quan trọng hàng đầu phòng, chống Covid-19.

Như vậy, thời gian tới, việc thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang không chỉ ở những đô thị lớn, mật độ dân cư đông, nhiều người qua lại mà cả các những thị trấn, thị tứ… Cụ thể là tại cơ sở y tế, trung tâm thương mại, trên các phương tiện giao thông công cộng, khách sạn, nhà hàng, bến xe… Theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP, từ ngày 15/11/2020, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 - 3 triệu đồng, tăng gấp 10 lần so với mức phạt cũ (từ 100.000 - 300.000 đồng).

Có thể nói ngay, đây là một động thái cần thiết và cần được nghiêm túc thực hiện. Bởi có một thực tế là những ngày gần đây, tình trạng người dân lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 khá phổ biến, nhất là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Dễ thấy nhất là hiện tượng người dân không đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Quan sát ở cổng một trường tiểu học của quận Thanh Xuân, có tới 80% số phụ huynh đi đón con, cháu mà không đeo khẩu trang. Cần nói thêm, đây là khu vực tập trung đông người người trong một diện tích hẹp. Cũng có thể thấy hiện tượng nói trên ở những khu vực khác như một số bến xe, quán ăn, nhà hàng, quán cà phê, công viên, nơi tập trung đông người…

Còn nhớ những đợt cách ly diện rộng để phòng dịch dạo tháng Tư và tháng 7 năm nay. Khi ấy ai cũng thấy sự cần thiết và tác dụng của việc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập đông người, Khai báo y tế), đặc biệt là đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Và gần như là cả xã hội đều nhận thấy đó là một nét văn hóa mới, rất có lợi cần được duy trì ngay cả khi dịch đã tạm lui, được kiểm soát.

Vậy mà chỉ mới sau hơn 2 tháng không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, rất nhiều người đã tỏ ra lơ là, bỏ mất thói quen rất hữu hiệu, cần thiết và có ích đó, ngay cả với việc đơn giản nhất nhưng cũng là quan trọng hàng đầu là đeo khẩu trang.

Cần nhắc lại bài học về sự bùng phát trở lại của dịch Covid tại Đà Nẵng dạo tháng Bảy vừa qua khi chúng ta phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai. Sau 99 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới, Covid-19 đã một lần nữa xuất hiện vào ngày 25/7/2020 tại Đà Nẵng - một điểm nóng du lịch và cũng trở thành điểm nóng của đợt dịch thứ hai. Tính đến giữa tháng 9, đã có 1.059 người nhiễm virus và 35 người tử vong. Dù con số này là không đáng kể khi so sánh với các nước khác nhưng nó nhắc chúng ta cần hết sức cảnh giác, không thể lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Và cũng từ đó cho thấy quyết định xử phạt nặng hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng là đúng đắn và cần thiết.

Tuy nhiên, có một thực tế cần quan tâm. Đó là lực lượng chức năng không thể có mặt ở mọi nơi mọi lúc để mà giám sát, xử phạt. Đó là chưa nói việc xác định hành vi, đối tượng vi phạm với việc không đeo khẩu trang là cũng không đơn giản. Bởi vậy dù khẳng định việc xử phạt là cần thiết, nhưng việc cần thiết và quan trọng vẫn là làm sao để một người, mỗi gia đình… nhận thức rõ sự cần thiết và tác dụng của các pháp phòng chống dịch nói trên, nhất là đeo khẩu trang nơi công cộng để tự bảo vệ mình và cả cộng đồng.