Phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội nói chung, trong thanh thiếu niên nói riêng.

Tuy nhiên, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Triệt phá nhiều nhóm thanh thiếu niên gây rối, đua xe

Ngày 1/8, Công an huyện Chương Mỹ đã thông tin về việc triệt phá nhiều nhóm thanh niên thường xuyên tụ tập đua xe và cổ vũ đua xe trái phép trên Quốc lộ 6 qua địa bàn.

Tập trung đấu tranh, liên tiếp trong các ngày 29/7, Công an huyện Chương Mỹ đã bắt giữ 5 đối tượng, 3 xe mô tô; ngày 30/7, bắt giữ 11 đối tượng và 9 xe mô tô. Các đối tượng có độ tuổi từ 15 đến 19 tuổi, đặc biệt có thiếu niên chỉ mới 12 tuổi. Hộ khẩu thường trú của các đối tượng chủ yếu tập trung tại huyện Chương Mỹ. Một số đối tượng có hộ khẩu thường trú tại địa bàn huyện Quốc Oai, quận Hà Đông và huyện Thanh Oai.

Đáng nói, trong số 21 đối tượng đang độ tuổi học sinh, có 6 cháu đã bỏ học.

Nhóm đối tượng bị bắt khi rủ nhau chạy xe nẹt pô, đánh võng, lạng lách... trong đêm bị công an huyện Chương Mỹ bắt giữ. Ảnh: anninhthudo.vn
Nhóm đối tượng bị bắt khi rủ nhau chạy xe nẹt pô, đánh võng, lạng lách... trong đêm bị công an huyện Chương Mỹ bắt giữ. Ảnh: anninhthudo.vn

Qua đấu tranh làm rõ, các đối tượng khai nhận đã lập nhóm Facebook để mời nhau vào huyện Chương Mỹ đua xe. Vào khoảng thời gian từ 20 giờ 30 đến 23 giờ hằng ngày, nhiều đối tượng còn mang theo hung khí bằng kim loại, kéo lê dưới mặt đường để phát ra âm thanh và tia lửa, gây mất an ninh trật tự.

Ngày 31/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ứng Hòa cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với 5 đối tượng để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Cụ thể, các đối tượng gồm: Nguyễn Hà Chiến (sinh năm 2001), Nguyễn Khắc Toàn (sinh năm 2006), Đinh Văn Đoàn (sinh năm 2003), Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 2007), Trịnh Văn Việt (sinh năm 2006), cùng trú tại huyện Ứng Hòa.

Trước đó, nhóm của Chiến xảy ra mâu thuẫn với một nhóm thanh niên khác nên khoảng 18 giờ 30 ngày 20/7, Đinh Văn Đoàn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Tiến Dũng, Trịnh Văn Việt cùng 7 đối tượng khác đến nhà trọ của Nguyễn Hà Chiến, ở xã Hòa Xá ăn uống, bàn việc đánh nhau.

Sau khi ăn xong, nhóm này phát hiện nhóm đối thủ đang ở khu vực gần đó nên đã chuẩn bị hung khí gồm nhiều ống tuýp sắt, mã tấu, dao quắm…

Cả nhóm điều khiển xe máy dọc các tuyến đường, khi đi đến địa phận xã Phương Tú, nhóm Chiến gặp N.T.A (sinh năm 2006), điều khiển xe máy chở T.M.Q (sinh năm 2005). Tưởng nhầm đây là nhóm thanh niên đang cần tìm, nhóm của Chiến đã truy đuổi và lao vào hành hung, đánh đập 2 người này.

Khi phát hiện đánh nhầm người, nhóm của Chiến bỏ đi. Hai nạn nhân N.T.A và T.M.Q bị thương tích, được người dân đưa vào bệnh viện điều trị.
Một vụ việc khác, Công an thị xã Sơn Tây vừa thông tin về việc bắt giữ nhóm đối tượng “gây rối trật tự công cộng” tại bờ hào Thành cổ Sơn Tây.

Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 27/7, tại khu vực đường bờ hào Thành cổ Sơn Tây, 2 nam thanh niên đi trên 1 xe máy màu trắng, không biển kiểm soát, di chuyển với tốc độ cao, mang theo hung khí tự chế kéo lê xuống đường, gây mất an ninh trật tự.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận: do mẫu thuẫn cá nhân với một thanh niên tại thị xã Sơn Tây từ trước, Đoàn Đức Toàn (sinh năm 2006, ở xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) đã rủ Dương Văn Tuyên (sinh năm 2001, ở xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ) và Nguyễn Minh Phương (sinh năm 1995, ở xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ) mang theo hung khí đi giải quyết mâu thuẫn…

Cảm hóa, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Mới đây, Công an quận Tây Hồ phối hợp cùng UBND phường Yên Phụ, Công an phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) ra mắt mô hình “Phối hợp quản lý giáo dục thanh thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật” trên địa bàn. Đây được coi là một trong những mô hình đầu tiên được Công an TP Hà Nội chọn địa bàn quận Tây Hồ để triển khai thực hiện.

Để làm tốt công tác quản lý, giáo dục thanh niên vi phạm pháp luật, Công an phường Yên Phụ đã phối hợp với cán bộ đoàn thể quần chúng, cán bộ tổ dân phố, thôn, xóm cùng với gia đình giúp đỡ các thanh thiếu niên chậm tiến. Bên cạnh đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Công an phường Yên Phụ phát hiện những thanh thiếu niên thường xuyên tụ tập chơi bời, bỏ học, nghiện game... để thông báo đến gia đình, kịp thời nắm bắt tình hình, tư tưởng con em mình…

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo 138 TP Hà Nội diễn ra ngày 2/8 vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, vừa rồi, Công an TP Hà Nội được Bộ Công an đánh giá cao trong việc xử lý các vụ việc thanh thiếu niên hư, tụ tập mang dao kiếm, hung khí, điều khiển mô tô gây mất trật tự xã hội.

Các vụ việc xảy ra đều được Công an TP Hà Nội điều tra, truy bắt hết các đối tượng, truy tố 100% với các trường hợp đủ tuổi; đồng thời, xét xử công khai để tuyên truyền răn đe.

 

Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, định hướng cho các em lý tưởng sống tốt đẹp, cung cấp những kỹ năng sống cần thiết để các em tự bảo vệ bản thân, nhận biết và tránh xa môi trường dễ phát sinh tệ nạn xã hội, tiêu cực. Các bậc cha mẹ cần thường xuyên phối hợp với nhà trường để quản lý thời gian học hành, sinh hoạt của các con, dành thời gian quan tâm, nắm bắt tâm tư, tình cảm, chia sẻ với con bởi đây là giai đoạn trẻ dễ mắc những sai lầm không đáng có.

 

“Trong các vụ việc có nhiều đối tượng trong độ tuổi học sinh. Công an TP đã có sáng kiến ban hành chuyên đề để đấu tranh phòng ngừa hiệu quả” - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng thông tin; đồng thời đề nghị cần tăng cường phối hợp giữa các tổ chức chính trị xã hội ở các cấp, nâng cao trách nhiệm của các nhà trường.

Hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc để tuyên truyền, răn đe, giáo dục không để các vi phạm đáng tiếc. Khi tuổi còn rất trẻ mà mang bản án hay bị xử phạt thì con đường phấn đấu sẽ có nhiều khó khăn.

Theo các chuyên gia giáo dục, để hạn chế tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, trước hết là cấp ủy Đảng, chính quyền, và các ngành, đoàn thể ở cơ sở.

Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; tình hình vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức tránh xa các tệ nạn xã hội; xây dựng và triển khai một số mô hình điểm về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phối hợp quản lý, giáo dục, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn khu dân cư.