Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để tránh hậu quả đáng tiếc, trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào, đặc biệt đòi hỏi sức bền, người dân đều cần phải kiểm tra thể lực.
Nguy cơ xảy ra đột quỵ khi chơi thể thao
Những ngày qua, cộng đồng chạy bộ tỏ ra tiếc nuối việc nam vận động viên 34 tuổi (quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa) ngừng tim trước vạch đích của giải chạy Tây Hồ Half Marathon. Người này được xác định có tiền sử tăng huyết áp 4 năm, thường xuyên được điều trị bằng Coversyl, huyết áp nền 130/70mmHG.
Khi phát hiện nam vận động viên P.B.M. ngã gục cách vạch đích khoảng 100m, kíp cấp cứu gồm bác sĩ Ngô Tiến Thái - Bệnh viện Bạch Mai cùng hai bác sĩ tim mạch, một bác sĩ gây mê, một điều dưỡng đã khám và đánh giá tình hình bệnh nhân. Kết quả cho thấy, nam vận động viện đã ngừng tuần hoàn.
Thực tế, đây không phải trường hợp đầu tiên người tham gia giải chạy gặp sự cố liên quan đến sức khỏe. Thời gian qua xảy ra một số biến cố trong một số giải chạy. Cuối tháng 3/2024, một vận động viên tham gia giải chạy Vietnam Ultra Marathon diễn ra ở Hòa Bình đã ngất xỉu trên đường chạy, sau đó tử vong tại bệnh viện.
Trước đó, một người đàn ông khoảng 30 tuổi đang chạy bộ tại Công viên Thanh Xuân (Hà Nội) bất ngờ ngã gục, người xung quanh liền gọi cấp cứu, đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhưng không qua khỏi.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ tim mạch Ngô Tiến Thái (Bệnh viện Bạch Mai) - chuyên gia điều hành y tế cho nhiều giải chạy marathon cho hay, để biết bản thân có tham gia được một bộ môn nào không, cụ thể là chạy bộ, mỗi người dân nên có ý thức đánh giá sức khỏe bản thân.
Theo bác sĩ Thái, bất cứ vận động viên nào, dù phong trào hay chuyên nghiệp cũng cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng cả về sức khỏe và sự tập luyện trước cuộc thi để phòng rủi ro. Tập luyện sức khỏe là tốt, tuy nhiên cần phải có cường độ tập luyện phù hợp với từng cá nhân.
Mỗi người dân trước khi đến với một môn thể nào nên khám sàng lọc sức khỏe để biết tình trạng sức khỏe ra sao, tham vấn bác sĩ xem liệu khả năng sức khỏe có phù hợp với môn thể thao mình lựa chọn, tập luyện ở mức nào.
Bác sĩ Thái cảnh báo, rủi ro trong thể thao luôn có nguy cơ xảy ra, ngay cả với vận động viên chuyên nghiệp. Do đó, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình luyện tập, ngay trong cuộc đua, mỗi người cũng cần lắng nghe cơ thể, nhận biết các dấu hiệu bất thường để có sự điều chỉnh tốc độ chạy phù hợp với bản thân trong quá trình gắng sức.
“Nếu trong quá trình chạy, thấy có những cơn đau tức ngực lạ thường, cảm giác mệt mỏi, ngưỡng gắng sức kém đi so với cùng mức độ tập luyện ở ngày thường... là những dấu hiệu cảnh báo người dân nên giảm tốc độ, báo y tế để được kiểm tra, theo dõi kĩ lưỡng” – bác sĩ Thái khuyến cáo.
Phòng tránh rủi ro
Theo các chuyên gia y tế, một số hội chứng hay bệnh lý dễ gây ngừng tim khi gắng sức, ví dụ như: hội chứng Brugada, hội chứng WPW, bệnh cơ tim phì đại.... Thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh lý tim mạch, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần có kế hoạch tập luyện và chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe trước các giải thể thao để đảm bảo an toàn, tránh những rủi ro. Đồng thời, không nên chạy theo trào lưu để đăng ký một cự ly vượt khả năng của bản thân.
Đồng quan điểm, PGS.TS Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho hay, thực tế có nhiều người khi chơi thể thao không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó. Điều này có thể xảy ra chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp, thậm chí gây nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não, nhồi máu não...
PGS.TS Võ Tường Kha lưu ý, trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào đều cần phải kiểm tra thể lực. Người dân có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như: bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp…
Theo chuyên gia, tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe, ngay cả người có bệnh tim vẫn được khuyên nên vận động nhưng phải lưu ý đúng cách, an toàn và có sự hướng dẫn của bác sĩ. Điều quan trọng mỗi người phải tập thể dục trong giới hạn của mình. Ngoài ra, trước bất cứ hoạt động thể dục, thể thao nào, mỗi người cần dành thời gian khởi động làm nóng cơ thể, để cơ thể có thời gian thích nghi với hoạt động gắng sức. Trong khi tập luyện, hãy lắng nghe cơ thể, nếu thấy các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp tăng, huyết áp tụt… phải đi khám và điều trị kịp thời.