Phong vũ biểu tham nhũng ở Việt Nam: Người dân đánh giá các biện pháp phòng chống tham nhũng của Nhà nước ngày càng hiệu quả

Thủy Tiên - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Theo Phong vũ biểu tham nhũng ở Việt Nam 2019, một nửa số người được khảo sát (49%) cho rằng các biện pháp phòng, chống tham nhũng của Nhà nước ngày càng có hiệu quả hơn, tăng hơn một nửa so với tỷ lệ 21% vào năm 2016.

Ngày 7/1, tại Hà Nội, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) đã công bố khảo sát “Phong vũ biểu Tham nhũng ở Việt Nam 2019” (VCB 2019).
 Các chuyên gia tham gia Hội thảo. 
Thước đo trải nghiệm của người dân về tham nhũng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc TT cho biết: Trong 10 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến nhiều nỗ lực thay đổi theo chiều hướng tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Từ chỗ được cho là vấn đề nhạy cảm và “khó nói”, “tham nhũng” và “phòng chống tham nhũng” đã trở thành một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của công chúng và được thảo luận sôi nổi, thẳng thắn trên cả nước. Đồng thời, việc xây dựng và thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam cũng đã có những chuyển biến đáng khích lệ.
 Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch. 
Đây là lần thứ tư TT tiến hành khảo sát phong vũ biểu tham nhũng. Các cuộc khảo sát đều được thực hiện theo phương pháp luận của Tổ chức Minh bạch Quốc tế mà có tính khoa học và thực tiễn, được kiểm nghiệm và vận dụng tại 150 quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, kết quả các cuộc khảo sát của TT đều được chia sẻ với công chúng và các cơ quan phòng, chống tham nhũng và nhận được những phản hồi tích cực. Năm 2010, Phong vũ biểu tham nhũng đã được lãnh đạo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng xem là nguồn tham khảo có giá trị trong việc hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá tham nhũng ở Việt Nam.
Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam năm 2019 thu thập dữ liệu về nhận thức và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng, quan điểm của họ về các nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Nhà nước và tính hiệu quả của các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Đây là một thước đo trải nghiệm của người dân Việt Nam với tham nhũng trong thời gian qua.
Khảo sát này dựa trên phương pháp nghiên cứu của Phong vũ biểu Tham nhũng toàn cầu của Minh bạch Quốc tế (TI), đã được thực hiện tại Việt Nam vào các năm 2010, 2013, 2016. Dữ liệu được thu thập trong tháng 7, 8 năm 2019 thông qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp với 1.085 người dân tại 19 tỉnh, thành mang tính đại diện trong cả nước. Các cuộc phỏng vấn định tính được thực hiện vào tháng 11/2019 để hiểu sâu hơn quan điểm và trải nghiệm của người dân.
Không nhiều người sẵn sàng tố cáo tham nhũng
Ông Christian Levon, Cố vấn Cấp cao của TT, Điều phối Nghiên cứu cho biết, có 8 kết quả nổi bật liên quan đến Phong vũ biểu Tham nhũng Việt Nam. Thứ nhất, người dân Việt Nam ngày càng quan ngại về tham nhũng. Thứ hai, gần 1/5 người nói rằng họ đã đưa hối lộ, giảm đáng kể so với những năm trước. Thứ ba, các biện pháp phòng chống tham nhũng của Nhà nước được cho rằng có hiệu quả hơn.
Thứ tư, nhiều người dân tin rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt trong phòng, chống tham nhũng. Thứ năm, người dân quan ngại về khả năng chi phối, thiếu minh bạch của các công ty, tập đoàn tư nhân lớn và các nhóm lợi ích. Thứ sáu, người dân đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có tính liêm chính cao hơn. Thứ bảy, nữ giới nổi lên như là một chủ thể quan trọng trong công cuộc chiến chống tham nhũng. Thứ tám, hối lộ tình dục là một vấn đề đáng lo ngại.
 Toàn cảnh hội thảo. 
Theo báo cáo của VCB 2019, bên cạnh việc cải tổ, hoàn thiện khung pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Nhà nước đã và đang thực thi nhiều biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng, tiêu biểu là đưa ra xét xử một lượng lớn chưa từng các vụ tham nhũng quy mô lớn.
Nhờ có những nỗ lực này, cứ hai người dân được khảo sát năm 2019 thì có một người cho rằng các hoạt động phòng, chống tham nhũng là có hiệu quả, tăng gấp đôi tỷ lệ so với năm 2016.
Số lượng người dân tin rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng cũng tăng lên đáng kể sau ba năm (71% năm 2019 so với 55% năm 2016).
Tuy vậy, nhiều thách thức vẫn còn tồn tại. Mặc dù trải nghiệm tham nhũng giảm xuống, người dân vẫn rất quan ngại về tham nhũng. Năm 2019, tham nhũng đứng vị trí thứ tư trong mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam (so với vị trí thứ bảy năm 2016). Mặc dù tin mình có vai trò trong cuộc chiến chống tham nhũng và sẵn sàng tố cáo tham nhũng nhưng người dân hiếm khi làm vậy trên thực tế.
49% số người được khảo sát cho rằng việc tố cáo không có tác dụng và lo sợ phải gánh chịu hậu quả do tố cáo. Đáng chú ý, đa số người dân được khảo sát cho rằng các nhóm lợi ích đang chi phối một cách thiếu minh bạch các chính sách và quyết định của Nhà nước vì lợi ích riêng.
“Việc người dân nghi ngờ các công ty lớn và các nhóm lợi ích đang thao túng các chính sách và quyết định của Nhà nước là một điều đáng lo ngại. Nhà nước cần sớm đưa ra các biện pháp như quy định về vận động hành lang cho doanh nghiệp để khôi phục và củng cố niềm tin của người dân” - bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, thành viên của Ban cố vấn Hướng tới Minh bạch đánh giá.
VCB 2019 đưa ra khuyến nghị với Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhằm tăng cường công tác phòng ngừa tham nhũng. Nâng cao tính liêm chính của các cán bộ, công chức nhà nước, cũng như áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng tham nhũng là hai biện pháp được người dân khuyến nghị nhiều nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần