Phú Quang - đã trở về “Nỗi nhớ mùa Đông”

Nhạc sĩ Hồng Đăng- Lê Anh Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong ngày Đông hanh vàng thật đẹp, người nhạc sĩ dành cả đời mình cho tình yêu Hà Nội đã lãng đãng ra đi - nhạc sĩ Phú Quang.

Nhạc sĩ Phú Quang (thứ 4 từ trái sang) trong buổi gặp mặt Tất Niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2019. Ảnh: Minh Châu
Mang trong mình nhiều trọng bệnh, không ít lần đối diện với tử thần nhưng rồi, sau mấy năm nằm viện chống chọi với bệnh tật, nhạc sĩ Phú Quang ra đi lặng lẽ trong ngày đông nắng đẹp. Mùa Đông - đặc biệt là mùa Đông Hà Nội, nỗi nhớ lớn nhất trong những năm mưu sinh vật vã ở phương Nam, đã cho ông cảm xúc đặc biệt để viết những ca khúc dành cho người yêu Hà Nội đến cháy lòng như mình, để làm nên tên tuổi Phú Quang, để hôm nay lặng lẽ đưa ông lãng đãng, phiêu du trên mỗi góc phố ông yêu.

Phú Quang khởi đầu tình yêu âm nhạc có lẽ từ người anh cả, nhạc sĩ Phú Đắc, rồi anh thứ hai Phú Ân. Ông vốn là nhạc công kèn Cor trong Dàn nhạc giao hưởng rồi học chỉ huy. Được đào tạo bài bản nên ngay từ những sáng tác ban đầu, ông đã có style rất riêng cho mình.
 Nhạc sĩ Phú Quang (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp
Thời kỳ bao cấp, cũng như những nhạc sĩ khác, âm nhạc không nuôi được cuộc sống với cơm áo gạo tiền, Phú Quang đưa vợ con vào TP Hồ Chí Minh xoay xở đủ cách để kiếm sống. Biểu diễn, làm phòng thu rồi mở cafe... Nhưng với bản tính nghệ sĩ, việc kinh doanh cafe, nhà hàng phải gắn với quản lý thu chi. Ông quay về kinh doanh âm nhạc.

Phú Quang là nhạc sĩ hiếm hoi sống tốt bằng âm nhạc của chính mình. Ông viết nhạc không lời, nhạc sân khấu, nhạc phim trước khi dừng chân ở lĩnh vực viết ca khúc. “Em ơi Hà Nội phố” có lẽ là ca khúc đưa tên tuổi của Phú Quang trở thành nhạc sĩ của nỗi nhớ

Hà Nội. Nếu ở thơ Phan Vũ - là những cung bậc trường thi tình yêu Hà Nội của người thi sĩ thì Phú Quang - chọn cho mình một góc phù hợp với style âm nhạc của ông và thành công rực rỡ ở ca khúc này. Phú Quang đặc biệt nhạy cảm với những góc nhớ nhung, đa đoan của các thi sĩ. Ở ca khúc phổ thơ của ông, những vần thơ như lấp lánh hơn: "Làm sao về lại mùa Đông, dòng sông đôi bờ xa vắng. Làm sao về lại mùa Đông, để nghe chuông chiều xa vắng. Thôi đành ru lòng mình vậy. Vờ như mùa Đông đã về..." (thơ Thảo Phương). "Thôi đừng hát ru, thôi đừng day dứt. Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu..." (thơ Giáng Vân) hay "Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím. Sóng có nghĩa gì đâu nếu chiều nay em chẳng đến. Dù sóng đã làm anh nghiêng ngả vì em..." (thơ Hữu Thỉnh).
 Nhạc sĩ Phú Quang và Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Châu
Ca khúc của Phú Quang gắn liền với nỗi buồn, nỗi nhớ nhưng không bi lụy. Âm nhạc của ông da diết và sang trọng. Có lẽ giữa nắng nóng quanh năm phương Nam, thời tiết đỏng đảnh 4 mùa của Hà Nội mà ông ví như người con gái đẹp làm ông luôn khắc khoải nhớ mong hơn bất kỳ tình yêu trai gái nào làm nên những thăng hoa âm nhạc. Năm 2020, với những ca khúc đặc biệt về Hà nội, ông được trao tặng giải thưởng lớn Vì tình yêu Hà Nội.

Những năm trước, bạn bè, người hâm mộ thường gặp Phú Quang lui tới ở các quán cafe, bar sang trọng. Mỗi năm, ông tự tổ chức đêm nhạc riêng cho mình ở Nhà hát Lớn, tự làm mới ca khúc của mình. Và mỗi năm lại thấy ông có một món quà sang trọng từ ca khúc của mình, lúc là CD, DVD làm riêng từ thu thanh, phối khí, quay hình in ấn, bao bì rất cầu kỳ. Năm là cuốn lịch kèm CD ca khúc của ông, lúc là tập nhạc, tập hồi ký in rất đẹp.... Kinh doanh và sống sang trọng bằng âm nhạc của mình cũng là điều hiếm người làm được.
 Nhạc sĩ Phú Quang thường xuyên thể hiện tài năng đàn hát cùng những người bạn
Thông minh, hóm hỉnh, sang trọng, tài hoa, kiêu bạc là ấn tượng về Phú Quang với người đối diện. Tài hoa cho ông danh tiếng, tiền bạc, thông minh hóm hỉnh hấp dẫn bạn bè, phái đẹp nhưng kiêu bạc cũng mang cho Phú Quang những khúc mắc đời sống không nhiều người biết. Dù nổi tiếng từ rất lâu, đóng góp âm nhạc không nhỏ nhưng đến giờ ông vẫn đang chờ được xét tặng giải thưởng Nhà nước về âm nhạc.

Nhưng thôi. Dù gì thì vào ngày ông ra đi, người yêu âm nhạc, gia đình, bạn bè sẽ nghe lại hay khe khẽ hát: "Dường như ai đi ngang cửa, gió mùa Đông bắc se lòng...". Dường như người nhạc sĩ tài hoa ấy đang dừng chân ngang cửa giữa mùa Đông yêu dấu của ông. Bởi chẳng có sự vinh danh nào đối với người nghệ sĩ bằng sức sống của tác phẩm trong lòng người yêu âm nhạc.