Phú Quốc: Nỗ lực giảm thải rác thải nhựa

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong những năm trở lại đây, TP Phú Quốc (Kiên Giang) đã nỗ lực giảm rác thải nhựa, là TP đầu tiên nước ta cam kết trở thành Đô thị giảm nhựa - loại bỏ ô nhiễm nhựa.

Rác thải đại dương vẫn còn nhiều

Theo Tổ chức WWF - Việt Nam cho biết, bình quân mỗi năm tại Phú Quốc có hơn 1.000 tấn rác thải nhựa ngoài môi trường. Trong khi đó, bình quân mỗi ngày trên địa bàn TP có khoảng 200 tấn rác thải, trong đó được thu gom được khoảng 180 tấn, còn 20 tấn vương vãi ngoài môi trường.

Rác thải nhựa tại đã và đang đe dọa môi trường biển Phú Quốc. Ảnh Văn Sanh
Rác thải nhựa tại đã và đang đe dọa môi trường biển Phú Quốc. Ảnh Văn Sanh

Từ năm 2003, Trung ương, tỉnh Kiên Giang định hướng mục tiêu xây dựng đảo Phú Quốc phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng trở thành TP biển đảo, trở thành khu kinh tế hành chính đặc biệt, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp, trung tâm du lịch sinh thái, nghi dưỡng giải trí cao cấp, cấp quốc gia và quốc tế, là trung tâm bảo tồn sự đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đã kéo theo nhiều vấn đề phức tạp đáng quan tâm. Trong đó có môi trường, rác thải, nước thải và đặc biệt là rác thải nhựa. Hạn chế về cơ sở hạ tầng quản lý rác, cộng với ý thức trong việc bảo vệ môi trường, xử lý rác của một bộ phận người dân, tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng, vứt rác xuống sông, xuống biển còn phổ biến đang làm xấu đi hình ảnh của Phú Quốc, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển cũng như các loài sinh vật biển.

Các bạn trẻ nhóm Phú Quốc Xanh và Sạch đang thu gom rác trên bãi biển. Ảnh Văn Sanh
Các bạn trẻ nhóm Phú Quốc Xanh và Sạch đang thu gom rác trên bãi biển. Ảnh Văn Sanh

Theo ước tính, với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với khả năng lâu phân hủy trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni-lông, hộp xốp đựng đồ ăn, cốc,…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.

Được biết, Phú Quốc là địa phương đầu tiên ký cam kết trở thành đô thị giảm nhựa với mục tiêu giảm thiểu 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường sau 2 năm tham gia chương trình và không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.

Quyết tâm giảm thiểu rác thải nhựa

Ông Nguyễn Lê Quốc Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết, ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa trong đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu; vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân địa phương trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu; trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và ni lon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

TP Phú Quốc quyết tâm giảm thải rác thải nhựa trên đại dương. Ảnh Văn Sanh
TP Phú Quốc quyết tâm giảm thải rác thải nhựa trên đại dương. Ảnh Văn Sanh

“UBND TP cũng kêu gọi mọi tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân đang sống, làm việc, du lịch tại Phú Quốc hãy đồng hành cùng địa phương ngay trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa; giảm tiêu dùng hướng đến nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần vì một Phú Quốc với môi trường sống hiện đại, xanh như chủ trương của Chính phủ; kêu gọi các cấp, thức các ngành, các cơ quan tổ chức, các doanh nghiệp và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa” ông Toàn cho hay.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh - Quản lý dự án, Hợp phần Thủy sản và Khu Bảo tồn Biển WWF-Việt Nam tại Phú Quốc cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa đang là một trong những thách thức môi trường lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Là TP trẻ và đang trên đà phát triển nhanh chóng, Phú Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng.

Chính quyền và người dân Phú Quốc thu gom rác thải nhựa tại khu vực biển Dinh Cậu. Ảnh Hữu Tuấn
Chính quyền và người dân Phú Quốc thu gom rác thải nhựa tại khu vực biển Dinh Cậu. Ảnh Hữu Tuấn

Để hiện thực hóa mục tiêu này, dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với WWF-Việt Nam và UBND TP Phú Quốc cùng các đơn vị chuyên môn, đoàn thể và doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động khác nhau nhằm giảm thiểu rác thải nhựa thông qua công tác tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức, thúc đẩy phân loại và tái chế rác thải nhựa, đồng thời tăng cường công tác quản lý, thu gom, xử lý và xóa bỏ các điểm nóng ô nhiễm rác thải nhựa.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho du khách và người dân địa phương sinh sống trên địa bàn thành phố về mối đe dọa của các sản phẩm nhựa dùng một lần đến môi trường sống, kinh tế và sức khỏe con người, bà Mỹ Quỳnh cho hay.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế  & Đô thị, anh Trần Văn Sanh, Trưởng nhóm Phú Quốc Sạch và Xanh cho biết: Vào tháng 3 năm 2015, chứng kiến tình trạng ô nhiễm rác thải biển ở Phú Quốc ngày càng trầm trọng, một nhóm thanh niên yêu Phú Quốc, yêu môi trường đã thành lập Nhóm Phú Quốc Sạch và Xanh. Từ đó, những hoạt động vì môi trường của Phú Quốc ngày càng được nhân rộng và phát triển.

“Trong 8 năm vừa qua, Phú Quốc Sạch và Xanh đã có sự tham gia của hơn 60 tổ chức và gần 9000 lượt tình nguyện viên, đã tổ chức 280 hoạt động, trực tiếp thu gom 187,000kg rác trên các bờ biển, đảo nhỏ ở khắp Phú Quốc. Một số hoạt động của nhóm như: Chiến dịch Dọn sạch bãi biển hàng tháng, đổi rác lấy quà, Bản tin Phú Quốc Ét Ô Ét, Phú Quốc quá trời dép!!!… Nhóm hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức và hành động về phân loại rác tại nguồn, tuần hoàn, tái chế, giảm thiểu tác động đến môi trường. Từ đó tạo thói quen phân loại rác đến cộng đồng, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và du khách về rác thải nhựa” ông Trần Văn Sanh chia sẻ.