Phúc Thọ chú trọng nâng chất lượng nông thôn mới

Thắng Văn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Năm 2017, huyện quyết tâm đưa 2 xã còn lại về đích nông thôn mới (NTM) và phấn đấu hoàn thành đủ các điều kiện đạt chuẩn huyện NTM” - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn khẳng định khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị về lộ trình xây dựng NTM của huyện.

 Ông Doãn Trung Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ 
Phúc Thọ hiện đã có 20/22 xã đạt chuẩn NTM, với 2 xã còn lại đến nay tiến độ thực hiện ra sao, thưa ông?
- Hết năm 2016, huyện Phúc Thọ có 20/22 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã còn lại là Thượng Cốc và Xuân Phú có 14/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt. Đối với 5 tiêu chí còn lại của 2 xã, huyện thường xuyên đôn đốc hoàn thiện. Các ngành của huyện thường xuyên về 2 xã để hướng dẫn cụ thể. Qua đánh giá, hiện tại 2 xã đã đạt và cơ bản 17/19 tiêu chí. Chắc chắn đến hết năm 2017, cả 22 xã của huyện Phúc Thọ sẽ đạt chuẩn NTM.
Xin ông cho biết, năm nay, huyện triển khai các nhiệm vụ xây dựng huyện NTM như thế nào?
- Năm 2017, huyện xác định chủ đề trọng tâm là tập trung phát triển kinh tế và kỷ niệm 195 năm thành lập. Huyện đã xây dựng kế hoạch từ sớm, chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên giao ban, đánh giá kết quả thực hiện. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng thường xuyên làm việc với các ngành, xã để nghe báo cáo tiến độ. Ngoài ra, huyện còn thành lập và phân công cho các tổ, các đồng chí Huyện ủy viên phụ trách các xã để theo dõi toàn bộ hoạt động cũng như kiến nghị, đề xuất của cơ sở. Khi xã có ý kiến, huyện sẽ thành lập các tổ công tác về trực tiếp xã để giải quyết kịp thời các vấn đề như về môi trường, an ninh trật tự, dự án…
Cùng với đó, huyện duy trì tốt hoạt động đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện và Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã với Nhân dân. Sau 3 năm triển khai, đây là một kênh trao đổi các chủ trương, chính sách, kế hoạch của huyện tới người dân và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, thực hiện tốt chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đặc biệt, tháng 6/2017, huyện tiếp tục phát động phong trào 3 sạch gồm: Môi trường sạch, nông nghiệp sạch, nước sạch thực hiện từ năm 2017 - 2020 với nhiều mục tiêu quan trọng như phấn đấu đến năm 2020, 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch. Mỗi năm trên địa bàn huyện tăng thêm 50ha rau an toàn, mỗi xã, thị trấn cải tạo nạo vét ao hồ, trồng thêm vườn hoa. Trong sản xuất nông nghiệp, vận động nông dân không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi. Đối với môi trường sạch thì bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội…
Việc nâng cao chất lượng tiêu chí NTM được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Huyện xác định xây dựng NTM là chặng đường thường xuyên, liên tục và lâu dài. Ngay cả với 20 xã đã đạt chuẩn NTM vẫn còn một số tiêu chí cơ bản đạt. Đây chỉ là kết quả ban đầu, còn thực sự việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí mới là nhiệm vụ quan trọng, cần có nhiều thời gian, công sức, trí tuệ. Chính vì vậy, huyện yêu cầu các xã thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng tiêu chí và tuyên truyền cho Nhân dân cùng thực hiện.
Phúc Thọ đặc biệt quan tâm đến tiêu chí quy hoạch. Hiện tại, huyện đang chỉ đạo các xã làm quy hoạch trung tâm hành chính xã và điểm dân cư nông thôn. Trong đó lựa chọn các đơn vị tư vấn có năng lực, trình độ và được huyện thẩm định. Quy hoạch là nền tảng, động lực để phát triển nên phải đảm bảo đồng bộ với quy hoạch chung của huyện và TP. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu huyện NTM, quy hoạch của các xã, thị trấn phải kết nối đồng bộ với nhau, tránh tình trạng rời rạc. Chẳng hạn, các xã liền kề nhau có thể phối hợp cùng mở rộng khu chăn nuôi, trồng trọt tập trung, bởi nếu làm riêng một xã thì diện tích sẽ rất nhỏ.
Việc tổ chức lại sản xuất sau dồn điền đổi thửa cũng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Phúc Thọ được TP quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô nên huyện xác định đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, phát triển các vùng rau, lúa hàng hóa, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện, Phúc Thọ đã có một số vùng sản xuất có nhãn hiệu tập thể như bưởi Vân Hà, chuối Vân Nam, rau Thanh Đa… Đối với những vùng tập trung phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ như xã Tam Hiệp hiện chỉ còn 9% sản xuất nông nghiệp hay làng nghề thảm Phụng Thượng, bún bánh Sen Chiểu…
Trong tiêu chí xây dựng NTM cũng yêu cầu địa phương phải xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Huyện đã có chủ trương thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp như thế nào?
- Việc thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp là một nhiệm vụ khó, song hiện nay trên địa bàn huyện đã có một số DN đầu tư vào lĩnh vực này. Chẳng hạn ở Thanh Đa có DN đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới trồng rau an toàn. Vừa rồi, Sở NN&PTNT cũng đã giới thiệu một DN là Công ty Greentek Vision đầu tư trồng cỏ Alfalfa và sản xuất rau hữu cơ tại 3 xã Hát Môn, Xuân Phú, Thanh Đa. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích mô hình nông dân liên kết cho DN thuê ruộng để sản xuất rau, hoa…
Huyện quyết tâm phấn đấu đến hết năm 2017 sẽ đưa 2 xã Thượng Cốc và Xuân Phú về đích NTM, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM ở các xã, cũng như đẩy mạnh phong trào 3 sạch để phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM. Tuy nhiên, chủ trương của huyện là không chạy theo thành tích, tiến độ, mà chú trọng vào chất lượng xây dựng NTM.
Xin cảm ơn ông!

Nạo vét kênh mương thoát nước thải tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ.  Ảnh: Thắng Văn