Phương án thiết kế ga ngầm C9: Giải quyết hài hòa vấn đề giao thông và bảo tồn di sản

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 tuần trưng bày, phương án vị trí và tổng mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo đã nhận được gần 1.800 ý kiến phản hồi, trong đó 90% là đồng thuận.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Giáo sư Sử học (GS) Phan Huy Lê cho rằng, chủ đầu tư đã rất kiên trì tiếp thu và điều chỉnh trong nhiều năm để có được phương án tối ưu hiện nay.
Thực sự thuyết phục

Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, trong 3 tuần trưng bày đã có hàng vạn lượt người dân và du khách đến tham quan phương án vị trí và thiết kế tổng mặt bằng ga ngầm C9. Trong gần 1.800 ý kiến phản hồi có tới 90% đồng thuận với phương án; 7% không đồng thuận và 3% không nêu ý kiến.
 Phương án thiết kế ga ngầm C9 được trưng bày lấy ý kiến người dân. Ảnh: Công Hùng
“Chúng tôi cho rằng, việc trưng bày phương án đã đạt thành công nhất định. Bởi không chỉ thu hút sự quan tâm, góp ý của người dân, chuyên gia mà đó còn là một bài kiểm tra rất khó khăn về tính khả thi của dự án mà chúng tôi đã vượt qua được” - ông Hiếu chia sẻ. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận định, đây mới chỉ là bước khởi động ban đầu, đưa dự án tiếp cận gần hơn, rộng rãi hơn với các tầng lớp xã hội, Nhân dân Thủ đô. Việc dư luận còn một số băn khoăn là chuyện thường tình. Ông Dương Trung Quốc bày tỏ: “Chứng kiến những gì mà TP Hà Nội triển khai để xây dựng phương án tối ưu cho ga ngầm C9 rồi đưa ra lấy ý kiến Nhân dân, tôi thấy rất khả quan. Người dân đã dần dần từng bước chia sẻ với chủ trương này”.

Là một trong những người phản đối kịch liệt phương án vị trí ga ngầm C9 khi mới được đề xuất nghiên cứu, thế nhưng đến nay, khi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, GS Phan Huy Lê đã không ngần ngại thừa nhận: Phương án xây dựng ga ngầm C9 cuối cùng đã thực sự thuyết phục được ông. "Ban đầu tôi phản ánh dữ dội và chính tôi yêu cầu phải đưa dự án ra để lấy ý kiến của người dân.

"Là một nhà sử học, tôi quan tâm hơn cả đến yếu tố bảo tồn di sản và các giá trị tinh thần. Qua góc nhìn của mình, tôi thấy rằng, lãnh đạo TP Hà Nội đã rất nhiều lần họp, nâng lên đặt xuống, trao đổi, lắng nghe và điều chỉnh để tìm ra phương án tốt nhất cho quần thể di sản Hồ Hoàn Kiếm khi xây dựng ga ngầm C9." - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Tuy nhiên, sau nhiều năm đồng hành cùng TP và Chủ đầu tư, cùng tích cực bàn bạc, cân nhắc, điều chỉnh đến từng chi tiết nhỏ, phương án xây dựng ga ngầm C9 cuối cùng đã thực sự thuyết phục được tôi. Phương án đã giải quyết hài hòa nhất có thể cả nhu cầu phát triển giao thông của TP và mục đích bảo tồn quần thể di tích Hồ Hoàn Kiếm. Hơn nữa, về mặt nào đó, nhà ga C9 còn có ảnh hưởng khá tích cực đến việc phát huy giá trị của di sản” - GS Phan Huy Lê chia sẻ.

Thận trọng nhưng phải đảm bảo tiến độ

Theo GS Phan Huy Lê, khu vực được đề xuất đặt ga ngầm C9 trước đây nằm trên một nhánh sông và sau thành hồ, rồi theo thời gian và tác động của con người mới trở thành nhà cửa, đường sá. “Theo kinh nghiệm khảo cổ mà chúng ta đã có thì khu vực này không cần thiết phải tiến hành khai quật trước mà có thể tiến hành song song với việc thi công dự án. Mặt khác, phương án đặt ga sâu dưới mặt đất từ 15 - 19m cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến quần thể di sản hồ Hoàn Kiếm” - GS nhận định.

Được biết, thiết kế ban đầu ga C9 có 4 cửa lên xuống, phía hồ Hoàn Kiếm (phía Tây) có 2 cửa, sau đó tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, để tránh áp lực giao thông quá lớn lên quần thể di sản, một cửa đã được đưa sang phía Đông, ven Bờ Hồ chỉ còn một cửa. Theo tính toán của Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội, tại cửa duy nhất ven Bờ Hồ sẽ có khoảng 5.000 lượt hành khách lên xuống mỗi ngày. Đây cũng là một trong những vấn đề khiến nhiều nhà khoa học lo ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan di sản. Do đó, GS Phan Huy Lê lưu ý, chủ đầu tư cần có thiết kế phù hợp cửa lên xuống này sao cho hài hòa với cảnh quan chung trong khu vực và có những phương án tổ chức giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự để giảm thiểu mọi ảnh hưởng có thể có.

Trong khi đó, ông Dương Trung Quốc lại bày tỏ sự quan tâm đến tiến độ dự án. Theo ông, đến thời điểm này chúng ta mới triển khai xây dựng một tuyến tàu điện có đoạn đi ngầm trong nội đô, nhất là khu vực trung tâm, là đã quá muộn. “Tôi là nhà sử học cũng là người dân, cũng cần đi lại, cũng bị ảnh hưởng bởi UTGT. Tôi thực sự rất mong dự án sớm khởi công và đảm bảo tiến độ đề ra. Việc đảm bảo tiến độ không những giúp cho tuyến ĐSĐT sớm được đưa vào khai thác, phục vụ Nhân dân, giảm thiểu UTGT; mà quan trọng hơn nữa là đảm bảo độ an toàn và mỹ quan cho quần thể di sản bên trên” - Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.