Phương tiện xanh: Giải pháp kết nối giao thông đô thị

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Ở nhiều nơi trên thế giới, xe đạp đã được dùng như một phương tiện đi lại công cộng hữu hiệu, có vai trò quan trọng trong việc trung chuyển hành khách giữa các loại vận tải công cộng khối lượng lớn. Mô hình này cũng rất phù hợp với Hà Nội, cả trong giá trị đầu tư lẫn giá trị sử dụng.

Phù hợp với mạng lưới giao thông
Mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của Hà Nội hiện còn kém phát triển, chủ yếu dựa vào lực lượng xe buýt, chưa có tàu điện trên cao hoặc chạy ngầm. Mặt khác, mạng lưới VTHKCC cũng chưa phát huy hiệu quả mong muốn, chưa đáp ứng được nhu cầu về thời gian di chuyển do đường sá thường xuyên ách tắc. Hoặc do thiếu điểm dừng đỗ, khoảng cách giữa các điểm chờ quá lớn, người dân muốn sử dụng xe buýt phải đi bộ khá xa. Hơn nữa, khu vực nội đô Hà Nội có đặc thù mật độ dân cư, nhà ở xen kẽ dày đặc, hình thành nhiều ngõ nhỏ, đường nhỏ, hạn chế khả năng tiếp cận của xe buýt. Những vấn đề này đang khiến hành khách dần rời bỏ xe buýt. Trong tương lai, nếu không có biện pháp trung chuyển hữu hiệu, rất có khả năng cả tàu điện trên cao, chạy ngầm, xe buýt nhanh cũng sẽ bị người dân “bỏ rơi”. Nếu tìm được giải pháp cho việc di chuyển thuận tiện giữa các điểm dừng chờ phương tiện VTHKCC, hay từ nhà đến các điểm đỗ xe buýt, ga tàu điện, chắc chắn sẽ góp phần phát huy tối đa tác dụng của mạng lưới VTHKCC, giảm thiểu ùn tắc giao thông cho TP.

Xe đạp có nhiều tác dụng như rèn luyện thân thể, sức khỏe, không gây ô nhiễm môi trường.  Ảnh:  Nhật Nam

Xe đạp vốn là loại phương tiện nhỏ, chiếm ít diện tích lưu thông cũng như dừng đỗ, phù hợp với hiện trạng giao thông còn nhiều đường phố nhỏ, ngõ nhỏ như Hà Nội. Trên thế giới, người dân nhiều TP cũng đã sử dụng xe đạp như loại phương tiện trung chuyển, di chuyển chính để tránh ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường. Không chỉ các nước phương Tây như Đan Mạch, Thụy Điển hay Pháp, ngay khu vực châu Á có văn hóa và tập quán sinh sống tương đồng với Việt Nam, các TP như: Cao Hùng, Đài Bắc… cũng đã thực hiện mô hình xe đạp công cộng từ lâu. Bất cứ khu vực nào có thể, đặc biệt là tại những nhà ga tàu điện, bến xe buýt, khu trung tâm sầm uất, nơi gần đường giao thông chính, chính quyền đều có thể lập ra những điểm cho thuê xe đạp với giá rẻ, phục vụ người dân đi lại. Với sự phát triển vượt bậc về khoa học, công nghệ thông tin như hiện nay, không khó để quản lý những chiếc xe đạp, tránh mất mát, hư hại. Hơn nữa, việc vận hành những trạm xe đạp còn có thể dùng máy móc thay thế tối đa sự hiện diện của con người mà vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.
Tiện lợi đôi bề
Mô hình Trạm xe đạp công cộng vừa dễ thực hiện với chi phí rẻ, vừa mang lại hiệu quả rất lớn cho giao thông đô thị, môi trường TP. Nguồn vốn đầu tư có thể do TP chi trả hoặc kêu gọi xã hội hóa. Mỗi Trạm xe đạp chỉ cần một khoảnh đất rộng chừng vài chục mét vuông, có thể thiết lập ngay trên vỉa hè hoặc trong sân các nhà văn hóa cộng đồng mà bất cứ khu dân cư nào cũng có. Tại trạm chỉ cần lắp đặt một thiết bị kiểm soát điện tử kết nối với hệ thống khóa bảo quản xe. Người dân có thể mua một tấm thẻ sử dụng nhiều lần, mỗi lần quẹt thẻ, khóa tự động mở để lấy xe; khi trả chỉ cần quẹt thẻ để hệ thống tự trừ tiền theo thời gian sử dụng. Người dân có thể mượn - trả xe ở bất cứ Trạm nào gần nhất, tiện lợi nhất. Trên xe có thể gắn thiết bị định vị để theo dõi, tránh mất mát. Nếu xây dựng được mô hình này, mỗi trạm chỉ cần 1 - 3 người chia ca, trông nom cả ngày lẫn đêm. Để tiện sử dụng, những tấm thẻ thuê xe đạp nên được chia thành nhiều loại mệnh giá, bán phổ biến trong các siêu thị, cửa hàng như thẻ cào thanh toán tiền điện thoại di động. Bên cạnh đó, cần một đội ngũ thợ sửa chữa lành nghề, làm việc rải rác nhiều nơi trong TP để bảo dưỡng xe đạp, khi cần có thể sửa chữa nhanh chóng, kịp thời các phương tiện hỏng hóc.
Người dân tại các TP của Việt Nam hiện nay, trong đó có cả Hà Nội bị đánh giá là rất lười đi bộ. Đối với quãng đường từ nhà ra bến xe buýt có khi chỉ chưa đầy 1km cũng có thể khiến họ lựa chọn phương tiện cá nhân để di chuyển thay vì đi bộ ra điểm đón xe buýt. Tuy nhiên, di chuyển bằng phương tiện cá nhân tại Hà Nội hiện cũng rất khó khăn, đường sá nhiều khu vực thường xuyên ùn tắc, ngột ngạt, tốn kém phí nhiên liệu hoặc gửi xe. Do đó, nếu có thể thuê xe đạp với giá rẻ để di chuyển đến các điểm đón xe buýt, tàu điện hoặc đi hẳn đến công sở, trường học, chắc chắn người dân sẽ tích cực đón nhận và sử dụng. Ước tính mức đầu tư mỗi Trạm xe đạp công cộng với khoảng 30 - 50 xe chỉ vào khoảng 150 - 200 triệu đồng, trong khi mỗi chiếc xe buýt hiện nay cũng có giá từ 1 - 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xe đạp còn mang đến nhiều tác dụng như rèn luyện thân thể, sức khỏe, không phát thải gây ô nhiễm môi trường, hạn chế đáng kể va chạm, tai nạn giao thông.
Với rất nhiều tiện ích, lại đòi hỏi các điều kiện đầu tư, vận hành không quá phức tạp, đắt đỏ, xe đạp xứng đáng trở thành phương tiện kết nối chiến lược của tương lai. Đặc biệt nếu được áp dụng, mô hình này sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc trung chuyển hành khách giữa các loại hình VTHKCC khối lượng lớn của TP.