Quốc hội chất vấn: Làm đường một nơi thu phí một nơi tuân theo quy hoạch nào?

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT trước Quốc hội, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết, bức xúc hiện nay nằm ở 17 dự án nằm sai vị trí, 3 dự án dân không đi phải trả tiền, 6 dự án làm trên đường cao tốc nhưng không đi cao tốc phải trả tiền…

Ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất về nhóm vấn đề: Giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
200km đường có tới 3 trạm thu phí
Đại biểu Lý Tuyết Hạnh (đoàn Bình Định) chất vấn về vấn đề trên địa bàn tỉnh Bình Định với 200km đường quốc lộ 1A và quốc lộ 19 có 3 trạm thu phí, vậy xin hỏi bộ trưởng như vậy có nhiều quá không? Việc quá nhiều trạm thu phí như vậy có làm tăng chi phí vận chuyển và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế không?
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ hơn về việc BOT đi theo mở rộng quốc lộ 1A và những BOT làm một nơi thu phí một nơi như tuyến tránh Phúc Yên, BOT Phước Tượng - Phú Gia ở Thừa Thiên - Huế… tuân theo quy hoạch nào của Bộ, ai chịu trách nhiệm?
ĐB Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phát biểu tại Quốc hội
Trả lời đại biểu Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng bám sát nghiêm Nghị định 108 thông tư 159 của Bộ Tài chính, trong đó quy đinh: Trên cùng 1 quốc lộ, khoảng cách giữa các trạm 70km thì Bộ GTVT chủ động quyết định, còn trường hợp cự ly dưới 70km phải có sự đồng thuận của chính quyền địa phương và Bộ Tài chính.
“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi thực hiện đúng quy định của nhà nước về cự ly, sự thỏa thuận của Bộ GTVT với chính quyền địa phương và Bộ Tài chính, do đó, UBND tỉnh Bình Định thống nhất với Bộ GTVT bố trí các dự án như vậy hoàn toàn phù hợp với quy định”, Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, một số khu vực mật độ trạm BOT dày đặc ảnh hưởng đến đời sống của người dân và chi phí, chúng tôi đánh giá bà con khó khăn, nhất là những hộ nghèo bởi xe và hàng hóa đi qua trạm thu phí mất khoản tiền.
Bộ trưởng nói: “Chúng tôi kính mong đồng bào và cử tri thông cảm. Việc này chúng tôi thực hiện bằng cách cố gắng giảm tối đa những trạm có khả năng, chúng tôi ưu tiên giảm giá, không ưu tiên thời gian, thà kéo dài thời gian để chi phí xã hội thấp nhất. Chúng tôi làm hết trách nhiệm của mình với hợp đồng được Chính phủ giao với các nhà đầu tư BOT”.
Dẫn lại câu hỏi về lợi dụng chủ trương để thực hiện các dự án này? Bộ trưởng cho rằng, việc này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ giao cho các ngành chức năng, Tổng thanh tra Chính phủ vào cuộc một cách quyết liệt, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.
“Riêng ngành GTVT, với trường hợp chỉ ra rõ sai phạm, với trách nhiệm của mình, tôi sẽ cương quyết xử lý cán bộ một cách nghiêm túc nhất”, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định.
Về việc một số trạm BOT bất cập như đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) hỏi, Bộ trưởng cho biết đã có báo cáo đến Quốc hội, hiện nay việc xử lý những dự án trên cơ sở đánh giá toàn diện của Chính phủ, bởi khi ứng xử với các dự án này còn liên quan đến kinh phí, và hiện nay BOT được xem là kênh quan trọng nhất để phát triển hạ tầng trong thời gian tới. “Chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ về những bất cập trên, khi Chính phủ có quyết định chúng tôi sẽ thực hiện”.
“Dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng”
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tranh luận: “Bộ trưởng nói phương án xử lý dự án BOT dựa trên lợi ích của người dân, nhưng sau khi nghe bộ trưởng trả lời, tôi không thấy như vậy”.
Theo đại biểu, bức xúc hiện nay nằm ở 17 dự án nằm sai vị trí, 3 dự án dân không đi phải trả tiền, 6 dự án làm trên đường cao tốc nhưng không đi cao tốc phải trả tiền… giải pháp của Bộ trưởng chỉ thấy toát lên rằng dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục, rồi lại dừng…?
Trả lời đại biểu Hoàng Quan Hàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn thể cho biết, 3 dự án nằm ngoài phạm vi dự án, trong đó một số dự án do lịch sử để lại, tức là dự án này triển khai từ lâu, Bộ GTVT chỉ tiếp nhận. Ví dụ như trạm Bắc Thăng Long Nội bài, Bộ đã báo cáo Chính phủ, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo tiếp tục thu phí, đo đó với trách nhiệm của mình, Bộ thực hiện đúng theo chỉ đạo.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ).
Với những dự án được duyệt, đều có sự tham gia của các địa phương, bộ, ngành và thời điểm phê duyệt dự án, các bên có liên quan, trong đó có Bộ GTVT xem như trạm thu hợp lý. Nếu bây giờ di rời những dự án đó phải tham mưu Chính phủ, Quốc hội, dự toán kinh phí thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư BOT…
Bộ trưởng nêu một số dự án lớn như tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng vì đầu tư lớn, thời điểm đó Chính phủ nhiều lần họp, thống nhất chủ trương để mở thêm trạm bên quốc lộ 5, tương tự như vậy, một số tuyến tránh là trục tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội cho địa phương ở những khu vực tuyến tránh đi qua, kết hợp với nâng cấp cải tạo quốc lộ.
Chủ trương thời điểm đó là nghiên cứu dự án, làm sao mang tính khả thi, phát triển nâng cấp hạ tầng cho địa phương đó… do đó toàn bộ việc này đều thực hiện đúng theo trình thự pháp luật, và trách nhiệm không chỉ Bộ GTVT mà các bộ ngành, địa phương.
Hiện nay để xử lý các dư án này, chúng tôi biết ngân sách Nhà nước khó khăn, hiện nay khó bố trí được nguồn vốn lớn để mua lại dự án này, do đó Bộ GTVT báo cáo Quốc hội, khi Quốc hội biểu quyết, có khả năng cân đối nguồn vốn thì Bộ GTVT sẵn sàng mua lại các dự án này. Để đảm bảo hài hòa, Bộ cố gắng có giải pháp giảm chi phí của người dân qua các trạm.