Quận Đống Đa: Xây dựng mạng lưới trường học theo hướng chuẩn hóa

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Đống Đa tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến và phản biện xã hội dự thảo chuyên đề “Phát triển mạng lưới trường học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn quận Đống Đa, giai đoạn 2018 - 2020”.

 Toàn cảnh hội nghị
Hiện, quận Đống Đa có 62 trường công lập gồm 2847 cán bộ, giáo viên và nhân viên với hơn 56.000 học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của 62 trường công lập về cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy – học. Toàn quận có 37 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 35 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (đạt 56,45%).
Tuy nhiên, so với tiêu chuẩn quốc gia, 27 trường học chưa đạt chuẩn đa số có diện tích nhỏ hẹp, không đạt tiêu chuẩn về diện tích sử dụng và cần phải mở rộng thêm để đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích sử dụng và cơ sở vật chất. Một số trường có số học sinh quá đông (số lớp và sĩ số học sinh/lớp vượt quy định). Một số trường phải sửa chữa lớn, xây dựng lại hoặc xây dựng mới… Tính đến hết năm 2017, Đống Đa trong tốp 7 đơn vị có tỉ lệ trường chuẩn quốc gia từ 50-60% hoàn thành chỉ tiêu năm 2017 nhưng vẫn là tốp có tỉ lệ thấp.

Vì vậy, Quận sẽ tiến hành rà soát các tiêu chuẩn trường học. Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia đối với 35 trường đã được công nhận. Đối với 10 trường học dự kiến xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thì bố trí đủ nguồn ngân sách để xây dựng lại, xây dựng mới và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để sớm được công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia.

Dự kiện kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2018 – 2020 là 587.581 triệu đồng; kinh phí đào tạo bồi dưỡng thường xuyên là 2.000 triệu đồng.

Ngoài ra, chuyên đề đặt ra nhiệm vụ phát triển hệ thống trường công lập trên địa bàn Quận giai đoạn 2018 – 2020 phấn đấu ở mỗi phường có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường chất lượng cao trên địa bàn quận. Riêng đối với các nhóm, lớp mầm non tư thục tiếp tục phát triển trên cơ sở khảo sát đánh giá nhu cầu thực, góp phần giảm bớt một phần gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Để thực hiện, Đống Đa sẽ xây dựng mạng lưới trường, lớp hợp lý, đầu tư xây dựng trường học theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, tăng cường thực hiện phân cấp quản lý, cải cách hành chính; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và tiếp tục rà soát quỹ đất, ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học.

Để triển khai chuyên đề có hiệu quả, các đại biểu cho rằng với thời gian ngắn như vậy thì cần phải thực hiện những nhiệm vụ “sát sườn” như: Cần làm rõ tỷ lệ học sinh trái tuyến; xây dựng mạng lưới trường học trên cơ sở đánh giá kết quả phân tích tuyển sinh; xã hội hóa đầu tư trường mầm non; xây dựng các chỉ tiêu về mặt chỉ số cần hợp lý hơn và cần nêu cao vai trò của gia đình và xã hội trong quản lý giáo dục.