Quận Hai Bà Trưng siết chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại 20 phường và 3 chợ hạng I, II thuộc quận Hai Bà Trưng có tổng cộng 3.027 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Với đặc thù là quận “lõi” của Hà Nội, đông dân, nhiều trường đại học, cơ quan, đơn vị, trung tâm thương mại cũng như chung cư cao tầng, di cư, biến động dân cư lớn và trình độ dân trí không đồng đều, lại có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm, quận Hai Bà Trưng gặp khá nhiều khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP). Mặc dù vậy, thời gian gần đây, từ quận đến phường rất chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đảm bảo ATTP trên địa bàn.
Tăng cường tuyên truyền kết hợp kiểm tra, giám sát

Tại 20 phường và 3 chợ hạng I, II thuộc quận có tổng cộng 3.027 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Ngay đầu năm 2017, UBND quận đã kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) ATTP cấp quận, phường do Chủ tịch UBND quận, UBND 20 phường là trưởng BCĐ; phân công trách nhiệm quản lý về ATTP, quy chế hoạt động của BCĐ, phân công thành viên BCĐ phụ trách từng phường; định kỳ họp BCĐ 1 quý/lần và đột xuất. Quận cũng triển khai bảng tiêu chí chấm điểm công tác đảm bảo ATTP đối với BCĐ ATTP các phường, chợ, trung tâm thương mại (TTTM); vừa tổ chức 2 lớp tập huấn quy định pháp luật về ATTP, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kiểm tra, giám sát, lập biên bản, xử lý vi phạm cho thành viên BCĐ ATTP quận, phường, lãnh đạo và cán bộ phụ trách y tế, phụ trách bếp ăn của cơ quan, cơ sở giáo dục, ban quản lý (BQL) chợ...
 Dãy hàng kinh doanh thức ăn đường phố trên đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng.
Thực tế cho thấy, tại 20 phường đều duy trì triển khai hiệu quả các kế hoạch đảm bảo ATTP. Nhất là đề án mô hình điểm về ATTP đang được triển khai tốt tại 2 phường Lê Đại Hành, Bùi Thị Xuân và các bếp ăn tập thể của cơ sở giáo dục thuộc quận. Tại 13 phường cũng tổ chức các lớp tập huấn về quy định pháp luật liên quan đến ATTP cho chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến. UBND quận còn chỉ đạo UBND các phường và BQL các chợ, cơ sở giáo dục ký cam kết tới hộ kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm không kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc và gia cầm lông; cơ sở giáo dục ký hợp đồng với cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến sử dụng rau quả, thực phẩm an toàn...

Cùng với tăng cường tuyên truyền, tập huấn, từ đầu năm đến nay, thanh tra, kiểm tra và giám sát ATTP là một nhiệm vụ trọng tâm được quận coi trọng và đã triển khai hiệu quả. Đoàn liên ngành quận và đội quản lý thị trường số 5, UBND 20 phường đã kiểm tra gần 1.100 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó đã xử phạt 908.450.000 đồng, tạm dừng hoạt động 52 cơ sở; kiểm tra 175 cơ sở giáo dục với 166 bếp ăn tập thể, 3 nơi cung cấp suất ăn sẵn và 8 căng tin, cho thấy: Tất cả đều không xảy ra ngộ độc thực phẩm, đa số cơ sở giáo dục thành lập, phân công trách nhiệm cho các thành viên BCĐ ATTP, cam kết thực hiện đúng quy định về điều kiện ATTP cung cấp dịch vụ ăn uống...

Nâng cao trách nhiệm cộng đồng

Theo Trưởng Phòng Y tế quận Cao Thị Hoa, nhiều cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm pháp luật về ATTP, chống đối nhà quản lý. Thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp, hóa chất độc hại, vi sinh vật, thức ăn trong chăn nuôi... là những tác nhân gây nên ô nhiễm thực phẩm, không đảm bảo chất lượng ATVSTP. Hơn nữa, một bộ phận người dân có thói quen chưa tốt trong lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm; trong khi chưa có lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP, cán bộ biên chế ít, chủ yếu là kiêm nhiệm. Đó chính là những yếu tố đang gây khó khăn cho quận trong công tác quản lý ATTP.

Trước thực tế này, phát huy những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt-Trưởng BCĐ chăm sóc sức khỏe Nhân dân quận yêu cầu tới đây, từ cấp quận đến các phường phải bám sát chỉ đạo của T.Ư và TP để triển khai hiệu quả công tác đảm bảo ATTP năm 2017, mô hình điểm ATTP, làm tốt công tác phối hợp liên ngành quận và các phường trong đảm bảo ATTP và các đợt cao điểm năm 2017. Bên cạnh tăng cường tuyên truyền cổ động, cần đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng như giáo dục, vận động người dân thay đổi hành vi không tốt trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng thực phẩm.

Cùng với đó, lãnh đạo UBND quận cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm có phương án trích kinh phí xử phạt vi phạm về ATTP cho cấp quận, phường; UBND TP cần quy hoạch hoặc có phương án quản lý phù hợp với hoạt động thức ăn đường phố, cũng như chỉ đạo các sở, ngành TP quan tâm hỗ trợ quận trong quản lý, kiểm tra, xử phạt vi phạm về ATTP.