[Quản lý hành chính tại các khu đô thị mới: Những khoảng trống cần lấp] Bài 3: Vướng cơ chế, chính sách

Nhóm PV Nội chính
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua thực tiễn cho thấy, vẫn còn không ít những vướng mắc về cơ chế, chính sách dẫn đến việc khó trong thành lập tổ dân phố (TDP), ban quản trị (BQT) ở các tòa nhà chung cư thuộc các khu đô thị (KĐT) mới hiện nay.

Khu đô thị Times City. Ảnh: Thanh Hải
Vai trò cấp ủy chưa được phát huy

Theo nhận định của cán bộ cơ sở, các quy định liên quan đến BQT tại các tòa nhà chung cư hiện nay vẫn chưa bắt kịp và chưa phù hợp với thực tiễn. Trong đó, vẫn chủ yếu thiên về lợi ích của chủ đầu tư mà chưa quan tâm nhiều đến quyền lợi của người dân. Khâu đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ BQT chưa được quan tâm đúng mức hoặc còn hình thức dẫn đến trình độ các BQT của các tòa nhà không đồng đều. Cùng với đó, vướng mắc lớn nữa là thẩm quyền thành lập BQT, hiện do quận quyết định, song cấp quận “quá xa” với thực tiễn địa bàn dân cư. Trong khi đó, cấp phường sát sườn với người dân hơn nhưng khi “động” đến bất cứ điều gì liên quan đến BQT lại không thuộc trách nhiệm của phường quản lý, quyết định. Chính vì thế, các bất cập liên quan đến BQT tòa nhà chung cư chậm được giải quyết, gây bức xúc cho người dân. Do đó, thẩm quyền quyết định thành lập BQT nên chăng giao cho cấp phường, để thuận tiện trong quá trình quản lý, giám sát và giải quyết vấn đề phức tạp nảy sinh tại các KĐT mới.
Với đặc thù của những KĐT đông dân, càng phải quy định rõ có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chủ đầu tư, ban quản lý, BQT với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội; hàng tháng BQT phải báo cáo tình hình hoạt động cho cấp ủy, chính quyền của địa bàn nắm được, để lãnh đạo chỉ đạo. Hiện BQT khu Times City hoạt động hoàn toàn tự do chứ không hỏi ý kiến gì chi bộ, hoàn toàn không lệ thuộc vào tổ chức Đảng.

Ông Lê Huy Khôi - Bí thư chi bộ địa bàn dân cư số 23, phường Vĩnh Tuy

Ông Nguyễn Hữu Cảnh đã làm Bí thư Chi bộ Cụm dân cư 2, khu bán đảo Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đã 17 năm, đồng thời có 14 năm tham gia BQT của 6 tòa nhà tại khu vực này. Từng ấy thời gian, ông vừa là người kết nối, vừa là người đại diện thể hiện mong muốn, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của cả tập thể người dân ở khu vực đó. Việc nhiều, áp lực lớn, sức có hạn, mà kinh phí hỗ trợ những người như ông Cảnh chỉ như “muối bỏ biển”… “Lắm lúc nghĩ muốn nghỉ nhưng cũng không được vì chẳng có ai làm thay, chẳng ai sức đâu “vác tù và hàng tổng” – ông Cảnh chia sẻ.

Từ thực tiễn, ông chỉ ra: Vai trò của cấp ủy tại các tòa nhà không được phát huy, còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vướng mắc ở Thông tư 02 của Bộ Xây dựng về Ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trong Thông tư này không đề cập về vai trò của cấp ủy Đảng tại các tòa nhà chung cư, đó là một hạn chế rất lớn, không phát huy được vai trò cấp ủy trong giải quyết các vấn đề phát sinh.

Bí thư chi bộ ở các KĐT tại Hoàng Mai cũng chỉ ra một thực tế, hoạt động cũng như vai trò của chi bộ không được phát huy, không được đề cao, điều này rất dễ gây đến tình trạng “vô chính phủ” tại các tòa chung cư. Thậm chí có tình trạng làm BQT chuyên nghiệp. Khi có tòa mới, người này mua một căn hộ rồi đứng ra tranh cử làm BQT để “kiếm lợi” ở vị trí này, khi hết lợi từ nguồn Quỹ bảo trì, người này lại bán căn hộ ở khu vực này để mua một nơi mới…

Ông Lê Huy Khôi - Bí thư Chi bộ địa bàn dân cư số 23 (KĐT Times City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) cũng cho rằng, Thông tư 02 của Bộ Xây dựng chỉ quy định đúng một câu “BQT cần phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội”, dẫn đến khi thành lập BQT, quận ra quyết định, phường không nắm được; chưa có văn bản quy định ai là người đứng ra tổ chức giám sát. Vì vậy, cần sớm sửa đổi Thông tư theo hướng có người giám sát hoạt động của BQT. Hơn nữa, địa bàn dân cư có hơn 300 người nước ngoài thuê nhà nhưng chỉ có Công an TP trở lên mới được quyền kiểm tra các nhân khẩu nên nếu có các đối tượng hoạt động mại dâm, buôn bán ma túy… địa phương rất khó kiểm soát.

Thành lập tổ dân phố cũng… vướng

Về vấn đề thành lập TDP ở các khu chung cư, có thể chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn thực hiện theo Thông tư số 04/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ và Quyết định số 50/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về tổ chức và hoạt động của thôn, TDP. Khi đó, đối với tòa nhà cao tầng tại các KĐT mới có vị trí biệt lập đặc thù, có tối thiểu 150 hộ gia đình cư trú thường xuyên được xem xét để thành lập TDP mới và thời điểm đó các quận đã thành lập được nhiều tổ dân phố ở các khu chung cư. Năm 2017, Thông tư 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ ra đời, nâng số hộ dân tối thiểu để thành lập TDP lên 500 hộ và năm 2018, Bộ tiếp tục có Thông tư 14/2018/TT-BNV sửa đổi Thông tư 04, có hiệu lực từ 20/1/2019, có quy định: Trong trường hợp do khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền cấp xã, tổ chức hoạt động của thôn, TDP yêu cầu phải thành lập thôn mới, TDP mới, phải đạt các điều kiện cụ thể, trong đó riêng TP Hà Nội, điều kiện cũng phải có từ 450 hộ gia đình trở lên.
BQT tòa nhà chung cư là do dân bầu, chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện những mong muốn, yêu cầu của người dân. Cho nên hoạt động cũng như vai trò của chi bộ ở đây không được phát huy, không được đề cao. Vì thế, đề xuất sửa đổi Thông tư 02 của Bộ Xây dựng nên nêu rõ vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở đây.

Ông Nguyễn Hữu Cảnh - Bí thư Chi bộ Cụm dân cư 2, bán đảo Linh Đàm (phường Hoàng Liệt)

Hiện nay, Hà Nội đang lấy ý kiến để chỉnh sửa một số nội dung của Quyết định số 50/2013/QĐ-UBND cũng như Đề án số 06-ĐA/TU của Thành ủy, do đó, việc thành lập mới các TDP ở các khu chung cư đang tạm dừng. Như tại quận Thanh Xuân, trong khi chờ TP ban hành quyết định thành lập mới các TDP tại các khu chung cư này, UBND quận đã thống nhất chủ trương giao cho các phường phối hợp với Ban quản lý các khu chung cư tổ chức họp các hộ dân và cử đại diện làm tổ trưởng, tổ phó TDP lâm thời.

Việc dừng để chờ quyết định mới chỉ là tạm thời nhưng thực tế cho thấy, việc thành lập TDP cần 450 hộ trở lên cũng có những bất cập, bởi mỗi tòa nhà chung cư có quy mô 100 - 250 hộ dân, dẫn đến để thành lập được TDP, phải có từ 2 - 4 tòa nhà mới đủ điều kiện này. Song không dễ “ghép” bởi khó nhận được sự đồng ý của cư dân khi các tòa có BQT khác nhau. Đồng thời, mỗi TDP chỉ có 1 tổ trưởng và 1 tổ phó, rất khó trong quản lý nhiều hộ dân, ở nhiều tòa nhà. Như trên địa bàn phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), có 4 cụm chung cư nhưng chưa có cụm nào thành lập TDP, chi bộ, do đã đi vào hoạt động nhưng chậm bàn giao cho phường quản lý. Trong đó, KĐT FLC Garden City có khoảng 500 - 600 hộ dân đang sinh sống, được giao về TDP Tháp, hiện TDP này có khoảng 1.000 hộ dân. Trong khi, bí thư chi bộ, tổ trưởng, tổ phó TDP đều cao tuổi, sức khỏe có hạn, vì vậy việc điều hành, quản lý các chi bộ, TDP đông đảng viên và đông dân rất khó khăn, đặc biệt là các khu nhà cao tầng. Quả thực đây là một thách thức không nhỏ với những cán bộ cơ sở.

Do đó, đối với Quyết định số 50/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, lãnh đạo nhiều phường đề nghị, để thành lập TDP mới, cần phải tháo gỡ thêm các vướng mắc, khó khăn. Nhiều tòa chung cư độc lập, dân số đông, không thể ghép được vào TDP khác cũng nên có quy định cụ thể. Cùng với đó, khó khăn chung của các khu chung cư cao tầng hiện nay là không tìm được người làm từ vị trí “tầng trưởng” cho đến tổ trưởng TDP, Bí thư Chi bộ, BQT tòa nhà… Việc quản lý, theo dõi dân cư đối với tổ trưởng, tổ phó TDP gặp nhiều khó khăn do nhà hội họp không đủ điều kiện về diện tích; việc mời đại diện cử tri các hộ gia đình tham gia họp triển khai các quy định, hướng dẫn của phường gặp khó do các gia đình đi vắng cho nên phải đi lại nhiều lần... Vì thế, việc có chính sách, chế độ động viên phù hợp đối với đội ngũ này cũng là một đề xuất đáng lưu ý.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần