Quản lý phát triển đô thị: Cần những “công cụ mới”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rất cần có Luật Quản lý phát triển đô thị để điều chỉnh, tuy nhiên, các quy định phải giải quyết trước những bất cập trong phát triển đô thị hiện nay. Đó là quan điểm các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra khi xem xét lần đầu Dự Luật này.

Chưa điều chỉnh hết các vấn đề thực tế
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình đô thị hóa đã bộc lộ một số bất cập. Sự thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ và bao quát của các quy định pháp luật về phát triển đô thị đặt ra yêu cầu phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Luật nhằm điều chỉnh tổng thể quá trình phát triển đô thị.
 Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
Dự Luật quy định về quản lý hệ thống đô thị; phát triển đô thị theo quy hoạch; đầu tư phát triển đô thị; nguồn lực tài chính phát triển đô thị; quản lý nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong phát triển đô thị. Trong đó về quản lý nhà nước, Dự Luật quy định rõ phạm vi trách nhiệm, phân cấp quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp trong quản lý phát triển đô thị, đặc biệt trong đầu tư hạ tầng đô thị và cung cấp dịch vụ công cộng; thu thập số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhận định: Khâu yếu của chúng ta là quản lý, nên việc đặt tên Dự Luật “Quản lý phát triển đô thị” là trúng và đúng. Bởi lâu nay quản lý đô thị kém, nên mới có chuyện phá vỡ, băm nát quy hoạch. Tuy vậy, nội hàm phần quản lý chưa được thiết kế đậm nét. Dự Luật này phải góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, xử lý nước sạch... nhưng các điều khoản cụ thể chưa đề cập nhiều.

Một số ý kiến cũng nêu quan điểm: Việc xây dựng Dự Luật phải bảo đảm yêu cầu nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển đô thị thông qua việc xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước từ T.Ư đến địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, Dự Luật nên có những quy định cụ thể hơn về vấn đề đền bù, thu hồi đất trong phát triển đô thị; hạn chế tình trạng phát sinh khiếu kiện trong đền bù thu hồi đất; hay việc không thực hiện được các ý đồ lớn về quy hoạch đô thị… “Trên thực tế những bất cập trong thu hồi đất đô thị đã làm phát sinh những vấn đề khiếu kiện phức tạp hay xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, siêu nhỏ…” - Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải ví dụ.

Luật phải là cẩm nang cho quản lý

Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân vân khi quản lý đô thị là một vấn đề lớn, song Dự Luật thiết kế xây dựng chỉ có 66 điều như vậy liệu đã bao quát toàn diện được các vấn đề về quản lý, phát triển đô thị. Đồng thời hàng loạt vấn đề lớn của đô thị mà Dự Luật chưa đề cập đến như: Quản lý, phát triển giao thông đô thị; công tác chỉnh trang đô thị; phát triển các khu phục vụ công cộng; vấn đề vệ sinh công cộng, thu gom, xử lý rác thải; việc quản lý tên phố, số nhà… “Phải làm sao khi luật này ra sẽ là cẩm nang để quản lý cho tốt, phát huy được nội lực, phát huy được công trình đô thị vừa mang tính chất văn hóa xã hội, vừa tạo môi trường sống cho người dân tốt hơn” - Tổng Thư ký Quốc hội kỳ vọng.

Ngoài ra, nguyên tắc quản lý phát triển đô thị; chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển đô thị; các tiêu chí cơ bản để phân loại đô thị và thẩm quyền công nhận loại đô thị. Việc quản lý và sử dụng đất đô thị và quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị; đầu tư phát triển đô thị; nguồn lực tài chính phát triển đô thị… cũng là những vấn đề lớn được sự quan tâm, góp ý kiến của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước những vấn đề đặt ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: “Chúng ta thấy quá cần thiết có luật quản lý phát triển đô thị để điều chỉnh”. Đồng thời phải giải quyết cho được mối tương quan cũng như rõ nội hàm để thuận lợi trong quản lý và phát triển đô thị giữa luật này với Luật Quy hoạch đô thị. UBTV Quốc hội cũng đề nghị, một số quy định của dự án Luật chưa có tính khả thi cao, như chính sách phát triển đô thị, quản lý dân cư..., cơ quan soạn thảo cần rà soát để bảo đảm tính khả thi của Luật.