Quản lý phố đi bộ Hồ Gươm-Giá trị văn hóa đặt trên giá trị kinh tế

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/9/2016, Hà Nội chính thức triển khai thí điểm không gian đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận.

Sau hơn 7 năm, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận trở thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, “sàn diễn” cho nhiều hoạt động văn hóa, du lịch lớn của Việt Nam cũng như quốc tế, tạo nên sức hút với khách du lịch đến Thủ đô. Thế nhưng, vì lợi ích kinh tế, vì một vài động thái lạm dụng của nhà quản lý cũng như đơn vị tổ chức đã làm xấu xí những thành quả từng gặt hái về kinh tế, văn hóa của nơi này.

Bài 1: Nhiều hoạt động chệch choạc

Từ khi phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận được triển khai, không gian này trở thành điểm đến ý nghĩa, nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa quan trọng của Thủ đô và đất nước. Nhưng sau hơn 7 năm, không gian phố đi bộ có dấu hiệu quá tải, phát sinh nhiều bất cập.

Phố đi bộ - thương hiệu văn hóa của Thủ đô

Từ tháng 9/2016 đến nay, vào dịp cuối tuần, người dân Thủ đô và du khách đến hồ Hoàn Kiếm tham quan được hòa mình vào một sân khấu ngoài trời khổng lồ, với rất nhiều hoạt động văn hóa.

Tại hội nghị tổng kết 3 năm triển khai thí điểm và công bố chính thức Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (tổ chức tháng 12/2019) đã thống kê có 410 sự kiện văn hóa quy mô lớn. Không chỉ là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa lớn của TP, đây còn diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quảng bá du lịch của 20 tỉnh, TP trong nước, 26 Đại sứ quán và 3 tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều chương trình, sự kiện đã để lại ấn tượng sâu sắc được dư luận đánh giá cao như: không gian văn hóa dân tộc H’Mông - Hà Giang tại Hà Nội; Quảng Bình trong lòng Hà Nội; Festival Di sản và quảng bá du lịch Quảng Nam; hoạt động giới thiệu quảng bá văn hóa của tỉnh Điện Biên, Tây Ninh, Lạng Sơn…

Sức hút của phố đi bộ thể hiện rõ ở số lượng khách du lịch đến với quận Hoàn Kiếm. Trung bình ban ngày có khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối khoảng 15.000 - 20.000 người. Lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh.

Cụ thể, năm 2016 là hơn 1,36 triệu lượt người, tăng 22,8% so với cùng kỳ; năm 2017 là 1,95 triệu lượt người, tăng 30,2% so với cùng kỳ; năm 2018 là gần 2,2 triệu lượt người, tăng 12% so với cùng kỳ; đến 9 tháng của năm 2019 đạt 1,24 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ. Nhờ đó, thu ngân sách trên địa bàn tăng mạnh. Năm 2016, thu ngân sách đạt 5.215 tỷ đồng, đến năm 2018 đạt 7.718 tỷ đồng; năm 2019, quận Hoàn Kiếm khoảng 9.500 tỷ đồng.

Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Kết thúc giai đoạn thí điểm, hoạt động chính thức từ ngày 1/1/2020, trước hiệu quả rõ rệt của phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp các cơ quan nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội đường phố; tiếp tục củng cố các hoạt động trông giữ xe, bảo đảm an ninh, trật tự, phân luồng giao thông để chuyển từ hoạt động thí điểm sang hoạt động chính thức. Đồng thời, quận triển khai xây dựng không gian văn hóa trên tuyến phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí để mở rộng không gian phố đi bộ; bổ trợ cho các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm; quy hoạch và quản lý việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố. Điều này sẽ tạo đà để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, kinh tế của phố đi bộ.

Quá tải, phát sinh bất cập
Riêng trong năm 2023, theo Sở VH&TT Hà Nội đã có 170 sự kiện được tổ chức gồm: 31 chương trình biểu diễn nghệ thuật; 33 sự kiện thể thao, điển hình với quy mô lớn; 13 sự kiện quốc tế do các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam tổ chức và do TP phối hợp tổ chức; 6 sự kiện do các tỉnh/TP tổ chức nhằm quảng bá văn hóa, du lịch và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng vùng miền; 10 sự kiện quảng bá, kết hợp gian hàng trưng bày quy mô lớn của các sở, ngành TP. Không chỉ là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa lớn của TP, đây còn diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quảng bá du lịch của nhiều tỉnh, TP trong cả nước như Hưng Yên, Bắc Ninh, Tây Ninh, Cà Mau, Quảng Trị, Cao Bằng.

Nếu chỉ nhìn trên số liệu thì đây là sự thành công cho các hoạt động. Thế nhưng, quá nhiều du khách đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần phàn nàn về việc nơi không gian phố đi bộ đang bị lạm dụng quá mức bởi những hội chợ mang tính quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu dùng. Có tình trạng các loại thực phẩm, gian hàng tạp hóa nối tiếp nhau bày bán hàng, trong đó có không ít quầy bán quần áo đại hạ giá giống như những phiên chợ ở những vùng quê.

Ngoài những phiên chợ này, một số sự kiện thể thao, thương mại khác tổ chức tại khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng gây phiền nhiễu cho khách tham quan. Bởi lẽ, các chương trình, nhất là các chương trình thể thao thường có sự tham gia của các nhãn hàng tài trợ. Hàng chục, có khi hàng trăm gian hàng quây kín cả một đoạn phố dài còn khiến khách tham quan không thể thưởng thức vẻ đẹp hồ Hoàn Kiếm, mà đi trong tiếng nhạc xập xình, tiếng gào lên quảng cáo bán hàng và nồng nặc mùi thức ăn từ hàng quán.

Bên cạnh đó, việc tổ chức nhiều sự kiện cũng dẫn đến việc nảy sinh nhiều bất cập, theo Sở VH&TT Hà Nội, một số sự kiện vẫn xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, giao thông trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Một số chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn chưa tuân thủ việc bảo đảm âm lượng phù hợp, bật loa công suất lớn dẫn đến tình trạng xung đột âm thanh, gây tiếng ồn và ảnh hưởng đến không gian đi bộ, cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực lân cận…

Sở VH&TT Hà Nội cũng nêu rõ những vấn đề, trong quá trình tổ chức các hoạt động gian hàng, một số cơ quan chủ trì tổ chức sự kiện chưa chủ động tăng cường công tác giám sát, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên các gian hàng ý thức gìn giữ vệ sinh, môi trường xung quanh. Tình trạng tập kết hàng hóa lộn xộn, làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, giao thông trên tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm… đã xảy ra.
Gìn giữ không gian văn hóa
của Thủ đô

Theo GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, hồ Hoàn Kiếm là nơi để lắng đọng, để người ta suy tư về chiều sâu lịch sử văn hóa của đất nước mình. Đây không phải là chỗ tổ chức chạy việt dã, không phải là chỗ xô đẩy nhau, chen lấn nhau, không phải là chỗ bán hàng, xả rác. Đến hồ Hoàn Kiếm và ngồi tĩnh lặng ngắm phong cảnh, tư duy về chiều sâu lịch sử của cái hồ này, của TP này, của đất nước này, đấy là ao ước của nhiều người. Chúng ta đang chỉ tính đến chuyện làm thế nào để chỗ này tụ tập được đông người đến ăn uống, tiêu tiền? Như thế là làm hỏng, làm mất hình ảnh của hồ Hoàn Kiếm.

Phát huy giá trị của hồ Hoàn Kiếm là phải nghĩ đến vừa bảo tồn, vừa phát huy. Bảo tồn để phát huy, phát huy để bảo tồn. GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ: “Nếu chúng ta chỉ nghĩ làm sao kéo được nhiều người đến để khai thác thì đến lúc chả còn gì để phát huy nữa. Tôi nghĩ rằng, quan trọng vẫn là quy hoạch và quản lý của TP Hà Nội phải có nghiên cứu một cách căn cơ, bài bản theo đúng Luật Di sản văn hóa.

"Làm sao để càng ngày càng có nhiều người đến hơn, quan tâm đến di sản văn hóa vô giá này của dân tộc Việt Nam. Tôi nhấn mạnh là quan tâm một cách có trách nhiệm, phát huy được giá trị của hồ Hoàn Kiếm nhưng phải tính chuyện lâu dài, bảo tồn cho muôn đời sau, chứ không chỉ cho giai đoạn hiện tại. Những cái này phải nằm trong chủ trương, chính sách, cách quản lý của các cấp lãnh đạo. Việc tư duy, tổ chức sự kiện thu hút được nhiều người, càng nhiều người đến thì người ta càng biết, thu được nhiều tiền thì càng đánh giá được giá trị của nó thì đấy cũng là một hình thức phát huy. Nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài”.

 

 

Chúng ta nên nhớ rằng hồ Hoàn Kiếm là trái tim của Hà Nội, Hà Nội là trái tim của cả nước. Như vậy, hồ Hoàn Kiếm là trái tim của trái tim. Người ta vẫn gọi hồ Hoàn Kiếm là lẵng hoa đẹp giữa lòng Thủ đô, trong đó kết tinh các giá trị đặc biệt, các giá trị tinh thần. Đây là nơi “lắng hồn núi sông nghìn năm”. Vì thế, không thể xô bồ, đưa ra đó những thứ ồn ào tại nơi này. Tôi cho rằng đó là cách ứng xử thiếu văn hóa với di sản vô giá tổ tiên để lại. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Ứng xử với một di tích đặc biệt thì phải có chiều sâu, đặt giá trị tinh thần cao hơn giá trị kinh tế.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc

 

Được biết, vừa qua, Sở VH&TT Hà Nội đã kiến nghị TP dừng cho phép thực hiện tổ chức các hoạt động sự kiện trưng bày, quảng cáo, hội chợ bán các mặt hàng, sản phẩm tiêu dùng phục vụ dân sinh trên không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Không xem xét, giải quyết chấp thuận đối với các chương trình, sự kiện như: các giải chạy tổ chức vào ban đêm (trước 5 giờ sáng); các gian hàng thiết kế thiếu tính thẩm mỹ, che chắn không gian hồ Hoàn Kiếm; các gian hàng sử dụng loa công suất lớn…

Theo các chuyên gia, nếu chỉ quan tâm đến mục đích kinh tế khi vận hành một tuyến phố đi bộ sẽ khiến mô hình này thất bại. Trong khi mục tiêu thành lập phố đi bộ không chỉ để kinh doanh, tăng nguồn thu cho địa phương mà là nâng cao chất lượng đô thị và trả lại cho người dân phần không gian hằng ngày bị xe cộ xâm lấn.
(Còn nữa)