Quản lý, sử dụng không gian ngầm trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định Điều 19 “Quản lý, sử dụng không gian ngầm”. Khai thác tối đa không gian ngầm, thực hiện mô hình giao thông, tạo ra những “thành phố ngầm” trong tương lai là những điểm mới trong sửa đổi Luật Thủ đô cũng như quy hoạch Thủ đô.  

Không gian ngầm được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng

Theo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), việc quản lý, sử dụng không gian ngầm phải tuân theo các nguyên tắc sau đây: a) Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo, thủy văn; b) Bảo đảm quốc phòng, an ninh; phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh; bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; c) Phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; d) Việc xây dựng công trình ngầm, bao gồm cả phần ngầm của công trình trên mặt đất phải thực hiện theo dự án đầu tư xây dựng, hạng mục của dự án đầu tư xây dựng hoặc theo giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đ) Trường hợp gây thiệt hại đến việc sử dụng đất của người sử dụng đất trên bề mặt của công trình ngầm phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉnh lý quy định để phân định rõ phạm vi không gian ngầm được phép sử dụng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Ảnh: Thái San
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉnh lý quy định để phân định rõ phạm vi không gian ngầm được phép sử dụng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Ảnh: Thái San

Không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ. Việc sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho phép sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định để xây dựng công trình ngầm (bao gồm cả phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất) phải trả tiền sử dụng không gian ngầm, trừ trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng không gian ngầm đối với công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh, thuộc danh mục khuyến khích đầu tư xây dựng hoặc trường hợp khác do Chính phủ quy định.

UBND TP Hà Nội ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng.

Minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất

Ngày 22/3/2024, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có báo cáo về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo báo cáo, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về quản lý không gian ngầm tại Điều 19 để phân định rõ phạm vi không gian ngầm được phép sử dụng của người có quyền sử dụng đất, phạm vi không gian ngầm thuộc quyền quản lý, khai thác của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý có hiệu quả, khai thác giá trị gia tăng từ đất đối với phần không gian ngầm ở các đô thị lớn, đặc biệt là nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội theo chủ trương, yêu cầu tại các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.

Hà Nội đang có cơ hội khai thác không gian ngầm để phát triển.Ảnh: Thái San
Hà Nội đang có cơ hội khai thác không gian ngầm để phát triển.Ảnh: Thái San

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng; người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 19). Ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép (thủ tục cấp phép sẽ được nghiên cứu để đơn giản giản hóa thủ tục hành chính theo quy trình một cửa, một cửa liên thông); trong một số trường hợp phải trả tiền sử dụng không gian ngầm theo quy định của Chính phủ (chủ yếu tập trung vào công trình ngầm được khai thác, sử dụng cho mục đích kinh doanh) (khoản 2 Điều 19).

Do đây là nội dung mới, chưa có tiền lệ nên việc giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng sẽ tạo sự linh hoạt, chủ động khi ban hành, bảo đảm phù hợp với đặc điểm địa chất và tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm của từng khu vực. Để tăng tính thuyết phục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động về nội dung này trước khi trình Quốc hội thông qua.

Ngoài ra, theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật về giới hạn độ sâu trong lòng đất mà người sử dụng đất bề mặt được quyền sử dụng (có thể là 15 mét)  để xác định rõ giới hạn sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất.

 

Với không gian ngầm, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang quy định không giới hạn trong phạm vi xây dựng công trình. Tức là ở khu nhà này, không gian ngầm có thể mở rộng ra xung quanh mà không bị giới hạn, từ đó sẽ tạo thành những “thành phố ngầm” trong lòng thành phố.

Hiện nay, ở một số khu đô thị trên địa bàn Hà Nội, không gian ngầm đã phát triển ra ngoài khuôn viên các tòa nhà đó. Tương tự trong đô thị trung tâm của thành phố, sau này cải tạo những khu chung cư cũ như Kim Liên, Trung Tự, Thành Công… bắt buộc phải cải tạo như thế, biến khu vực đó thành một thành phố ngầm trong tương lai. Có như vậy, không gian trên mặt đất mới dành cho công cộng, đặc biệt là giao thông đô thị. Thành phố hiện đại phải như thế và khi đó mới tạo ra tiền để nhà đầu tư xây cao lên để trả cho người dân.

Những thành phố ngầm như vậy sẽ được kết nối giao thông một cách đồng bộ, có đường sắt đô thị chạy qua, rất thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại, mua sắm; qua đó sẽ thu hút, hấp dẫn người dân đến sinh sống.

Về việc giới hạn độ sâu không gian ngầm, cần phải có quy định riêng cho mỗi khu vực. Ví dụ, ở khu vực trung tâm Hà Nội, nơi nhiều công trình, nằm trong các tuyến đường sắt đô thị, không gian ngầm ở đó phải quy định khác. Còn ở những nơi có công trình quốc phòng an ninh thì phải quy định khác. Do vậy, độ sâu thế nào, bao nhiêu mét, phải được căn cứ theo khu vực và Chính phủ nên có nghị định quy định chi tiết, như thế sẽ phù hợp hơn. Còn nếu áp đồng loạt độ sâu 15 mét sẽ không ổn.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội