Quản lý thuế nhìn từ câu chuyện với Uber: Chưa bắt kịp xu hướng

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi chính sách quản lý thuế với các “mỏ vàng” như thương mại điện tử, Google, Facebook, Uber, Grab, khối DN FDI vẫn lúng túng thì cơ quan thuế Việt Nam lại liên tục đề xuất đánh thuế và tăng thuế nội địa hết lần này đến lần khác.

 Uber rút khỏi thị trường còn để lại khoản nợ thuế 54 tỷ đồng. Ảnh: Trần Dũng
Bắc thang đòi nợ Uber
Sau khi sáp nhập với Grab, Uber chính thức biến mất khỏi thị trường Việt Nam để lại khoản nợ thuế gần 54 tỷ đồng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Không phải đến tận khi “bán mình” cho Grab, khoản nợ thuế của Uber mới khó đòi. Trước đó, năm 2017, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh ra quyết định truy thu và phạt Uber gần 66,7 tỷ đồng và Uber đã đóng 13 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, các nghĩa vụ của DN sáp nhập thì DN mới thừa kế phải chịu trách nhiệm và Grab phải có nghĩa vụ với khoản nợ này. Đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định, không có chuyện để thất thu 53 tỷ đồng nợ thuế của Uber và cho rằng do Grab chưa cung cấp hợp đồng chuyển nhượng thỏa thuận nên cơ quan thuế cũng chưa có những bước tiếp theo. Trong khi cơ quan thuế khẳng định như đinh đóng cột rằng ngân sách sẽ thu được khoản nợ này thì những người trong cuộc là Grab nói “không liên quan”, Uber thì “im như thóc” và nợ vẫn hoàn nợ.

Đứng về góc độ pháp luật, Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, trên cơ sở những thông tin ông tiếp cận được, nếu Uber Hà Lan nhất quyết không chịu nộp thuế, thì việc thu hồi số thuế nợ đọng đó là nằm ngoài khả năng của cơ quan thuế và thậm chí là coi như bị mất trắng. Doanh thu mà Uber có được nhờ thu từ tài xế được chuyển thẳng về Hà Lan, nên đối tượng nợ thuế là Uber Hà Lan.
Quản lý thuế, trong đó có biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là hoạt động mang tính hành chính – Nhà nước, chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ và quyền tài phán mà Việt Nam có quyền. Các biện pháp hành chính của Chính phủ Việt Nam sẽ không có giá trị trên lãnh thổ của quốc gia khác”- ông Phong phân tích.

Không chỉ đau đầu với Uber, thời gian qua, cơ quan thuế cũng khá “bối rối” với nhiều lĩnh vực kinh doanh mới như Facebook, Zalo, Google… Ngoài ra, việc đấu tranh chống chuyển giá, thất thu thuế của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn rất bế tắc. Hậu quả là một số lĩnh vực kinh doanh có doanh thu rất cao nhưng đóng góp nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước lại khiêm tốn.
 
Mở rộng cơ sở thuế thế nào để khoan sức dân?

Trong khi các chính sách thuế để quản lý và khai thác các “mỏ vàng” như thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, Facebook, Zalo, Uber, Grab... được nghiên cứu một cách chậm chạp thì cơ quan thuế lại nghĩ nhiều đến việc tăng thuế suất. Theo đó, cơ quan này hết đề xuất tăng VAT, thuế môi trường với xăng dầu… và bây giờ đến đề xuất áp thuế tài sản với nhà, đất và một số tài sản khác.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, câu chuyện thu thuế có phù hợp hay không cần phải nhìn vào xu hướng. Một sắc thuế trước đây các quốc gia áp dụng là một phần rất quan trọng trong thu ngân sách của quốc gia và theo thời gian có thể thay đổi. Chẳng hạn thuế tài sản ở Mỹ chiếm 60 - 70% tổng thu ngân sách và theo xu hướng giảm dần.
Thuế thu nhập cũng chiếm tỷ trọng lớn của các quốc gia nhưng cũng giảm dần. Thu nhiều hơn vào thuế gián thu, thuế tiêu thụ, VAT, việc đánh vào thuế này đơn giản so với các thuế thu nhập. Với thuế tài sản, hạn chế lớn nhất là không chỉ ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu mà còn cả những người thu nhập thấp.

Cụ thể hơn, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, nên và cần coi nhà là một đối tượng để đánh thuế nhưng không nên đánh thuế nhà giá trị thấp. Phần lớn người nghèo, thu nhập thấp, đời sống khó khăn thì không nên dồn gánh nặng lên vai họ. Tiếp theo liên quan tới bản thân ngành quản lý, nhà giá trị thấp thu không đáng bao nhiêu, giống thu thuế đất phi nông nghiệp. Nó vi phạm nguyên tắc của thuế là tính hiệu quả.
Chính phủ chưa xem xét đề xuất dự án Luật Thuế tài sản

Tại buổi làm việc với Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam ngày 17/4, lấy dẫn chứng về đề xuất thuế tài sản mà Bộ Tài chính đang đưa ra công khai để lấy ý kiến Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây chưa phải kết luận cuối cùng và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lắng nghe thêm. “Các cơ quan Chính phủ luôn mời đại diện MTTQ tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập để lắng nghe ý kiến trong việc xây dựng các dự án luật, các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn luật” - Thủ tướng nói.

Chiều 17/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản 3543/VPCP-PL truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản.

Trong đó nêu rõ, việc Bộ Tài chính gửi xin ý kiến rộng rãi về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tài sản là thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất chính sách để đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chưa phải là xây dựng dự án Luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật theo đúng quy định... (Trần Hà)
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan đến từng ngõ ngách của đời sống. Hơn 8.100 website và 73 mạng xã hội được cấp phép, hơn 13.469 tài khoản được sử dụng quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội và sàn giao dịch điện tử… cho thấy chúng ta đang có một nguồn thu rất lớn từ các loại hình kinh tế mới này. Từ câu chuyện quản lý thuế với Uber, Grab, Google… phải thừa nhận, Luật Thuế hiện nay chưa bắt kịp tốc độ thay đổi, phát triển của hoạt động kinh doanh thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

TS Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân Bizlight