Quản lý thuốc bảo vệ thực vật: Siết chặt từ văn bản pháp lý

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một thực tế đang tồn tại gây khó khăn cho việc quản lý thuốc BVTV ở nước ta là tình trạng "loạn" danh mục các loại thuốc.

Bộ NN&PTNT vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Nhiều đại diện doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý ở các địa phương đề xuất cần phải siết chặt quản lý thuốc BVTV ngay từ quy định trong văn bản pháp lý.
Kiểm soát danh mục thuốc

Một thực tế đang tồn tại gây khó khăn cho việc quản lý thuốc BVTV ở nước ta là tình trạng "loạn" danh mục các loại thuốc. Hiện chúng ta có quá nhiều tên thương mại của các loại thuốc trong khi nhiều loại không còn được sử dụng. Ông Trương Quốc Tùng, Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam cho biết, hiện nay, trong danh mục của chúng ta có hơn 1.200 hoạt chất để chế tạo thuốc BVTV trong khi các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia chỉ có từ 400 - 600 hoạt chất. Trong đó, có những hoạt chất có hàng trăm tên thương mại, giống như "ma trận" đánh lừa người dân. Chẳng hạn, hoạt chất Abamectin có tới 188 tên thương mại.

Theo Cục BVTV, nước ta có khoảng 4.000 tên thương mại nằm trong danh mục thuốc BVTV. Song điều đáng nói, khoảng 95% loại có tên trong danh mục không được sử dụng. Cùng với đó, trong cơ cấu thuốc BVTV, các loại thuốc có độ an toàn còn chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, thuốc BVTV sinh học chỉ chiếm dưới 20%, loại thuốc có thời gian cách li dưới 7 ngày cũng chỉ chiếm khoảng 13%. Do đó, theo nhiều chuyên gia, cần thiết phải quản lý chặt chẽ và hạn chế số lượng thuốc BVTV trong danh mục bằng các hàng rào kỹ thuật.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Trường Thịnh Nguyễn Thanh Bình, đề xuất, với những loại thuốc có trong danh mục nhưng không còn được sử dụng, không cần thiết phải khảo nghiệm lại sau 5 - 10 năm như hiện nay. Bởi việc làm này sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, nhà quản lý và đối tượng trực tiếp chịu thiệt lại là người nông dân sử dụng thuốc. Do đó, có thể điều chỉnh quy định sau 2 - 3 năm hay 5 năm mà loại thuốc đó không còn được sử dụng thì loại bỏ ra ngoài danh mục thuốc cho phép nhập khẩu. Đồng thời, phải quy định chặt chẽ việc ghi nhãn trên bao bì, nhất là ghi rõ đăng ký sản phẩm nhập từ nước nào. "Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đăng ký mua thuốc BVTV của Mỹ, Nhật nhưng lại nhập hàng Trung Quốc về gia công, đóng gói bán cho nông dân với giá tương tự trong khi chất lượng có khi không đảm bảo. Đó là hiện tượng gian lận thương mại cần loại bỏ" - ông Bình chia sẻ.
 

Gắn trách nhiệm cho người sử dụng

Không chỉ quy định chặt chẽ từ danh mục, các doanh nghiệp nhập khẩu, gia công, chế biến, kinh doanh thuốc BVTV, trách nhiệm của người sử dụng thuốc BVTV cũng được bàn tới. Theo dự thảo thông tư mới, người sử dụng thuốc BVTV phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi: Sử dụng thuốc tùy tiện, không đúng kỹ thuật khuyến cáo, không đảm bảo thời gian cách ly, để lại dư lượng thuốc BVTV trên nông sản vượt mức phép; sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ hay vứt bỏ bao gói thuốc, đổ thuốc, nước thuốc không đúng quy định gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, vật nuôi và môi trường. Thông tư cũng nêu rõ, nếu sử dụng thuốc BVTV gây thiệt hại về vật chất cho người khác sẽ phải bồi thường.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh thuốc BVTV giả, không nhãn mác. Tình trạng người dân sử dụng thuốc không đúng nồng độ, không đảm bảo thời gian cách li từ lúc phun đến khi thu hoạch như quy định đang khiến cho dư lượng các loại thuốc BVTV trên nông sản vẫn còn, đặc biệt là trên rau, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, cần phải gắn trách nhiệm cho người sử dụng thuốc BVTV, phải đọc kỹ nhãn thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc trên bao bì để sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. Để giúp người nông dân nâng cao nhận thức, trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người nông dân sử dụng thuốc đúng cách, an toàn và tăng cường sử dụng các loại thuốc sinh học, đảm bảo chất lượng nông sản.