Quan tâm huy động xã hội hóa nâng cấp các điểm dừng, nhà chờ xe buýt

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 20/6, đoàn khảo sát của Ban Đô thị, HĐND TP đã làm việc với lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị liên quan về tình hình thực hiện Đề án phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn TP.

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân phát biểu tại buổi làm việc

Theo Sở GTVT, tính đến tháng 5/2018, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn Hà Nội gồm 111 tuyến, đã bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã (tương ứng 411/584 xã, phường, thị trấn), đạt 70,4% độ bao phủ trên địa bàn TP, kết nối cơ bản tới các khu đô thị, các cụm dân cư, bệnh viện, trường học và các cụm công nghiệp.

Thực hiện “Đề án phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025”, từ năm 2012 hết quý I/2018, Sở đã mở mới nhiều tuyến xe buýt, thu hút hành khách đi lại bằng xe buýt và giải quyết bức xúc, kiến nghị chính đáng của cử tri, nâng tổng số tuyến buýt từ 67 tuyến năm 2012 lên 92 tuyến năm 2018 (tăng 37,3%). Đặc biệt, từ ngày 1/1/2017, TP đã chính thức đưa vào vận hành tuyến buýt BRT01 (Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã), được Nhân dân đánh giá cao.

Để tiếp tục phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt, triển khai có hiệu quả Đề án giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, khắc phục hạn chế của hoạt động VTHKCC bằng xe buýt hiện nay, Sở GTVT kiến nghị HĐND TP sửa đổi Nghị quyết 03 ngày 12/7/2013 của HĐND TP về ưu tiên phát triển hệ thống VTHKCC khối lượng lớn để phù hợp với tình hình thực tế. Đối với UBND TP, đề nghị tiếp tục duy trì cơ chế, chính sách trợ giá nhằm đảm bảo ổn định về an sinh xã hội, thúc đẩy hệ thống VTHKCC trong TP ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

UBND TP cũng cần bố trí ổn định và đủ nguồn kinh phí trợ giá hàng năm cho phát triển VTHKCC bằng xe buýt giai đoạn 2016 - 2020 theo Đề án; ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích đổi mới, đầu tư phương tiện theo hướng hiện đại hóa và phương tiện có mức phát thải đạt tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5, sử dụng nhiên liệu sạch; hỗ trợ người sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho các nhóm đối tượng trong xã hội…

Lắng nghe các ý kiến, đoàn giám sát nhận định: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đã đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành nhiều chỉ tiêu đặt ra. Trong đó, mạng lưới xe buýt được phát triển hợp lý, phù hợp điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, sự phân bố dân cư của Thủ đô hiện nay, kể cả ở đô thị và nông thôn. So với năm 2012, số tuyến buýt hiện đã tăng hơn 37%, chất lượng dịch vụ nâng cao, nhiều phương tiện được đầu tư thay mới với kinh phí trên 1.700 tỷ đồng-trong điều kiện ngân sách TP hạn hẹp thì đây là cố gắng lớn của DN.

Về phát triển hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt, đã tăng hơn 1.000 điểm chờ trong 5 năm, chất lượng vận tải được cải thiện, kéo theo tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xe buýt tại các tuyến, dần phục hồi lượng hành khách. Việc ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành giám sát và tổ chức hoạt động xe buýt cũng ngày càng tốt, được các DN hưởng ứng. Phương thức lựa chọn đơn vị cung cứng dịch vụ xe buýt đã chuyển dần từ đặt hàng sang đấu thầu, giúp tiết giảm ngân sách TP, nâng cao chất lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt. Nhất là, TP thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ để nhiều đối tượng người dân tham gia dịch vụ xe buýt, với kinh phí ngày càng tăng, phù hợp xu hướng tăng dân số Thủ đô.

Dù vậy, Trưởng đoàn giám sát đề nghị: Sở GTVT sớm có các giải pháp khắc phục về mạng lưới tuyến, quan tâm kết nối tăng mật độ tuyến buýt, kết nối các tuyến chính với các khu đô thị, khu đông dân, khu công nghiệp... Làm sao huy động xã hội hóa để nâng cấp các điểm dừng xe buýt, với hệ thống mái che, các trang thiết bị thông tin tốt hơn đến hành khách - điều này cần được đặc biệt quan tâm, ngoài đầu tư ngân sách thì phải tìm cách tăng xã hội hóa để đáp ứng tốt nhất. Ngoài ra, Sở và các đơn vị cần tìm ra các giải pháp hiệu quả để tăng được sản lượng vận chuyển, sao cho năm 2018 này tăng cao hơn năm trước.