Quận Tây Hồ: Hiệu quả từ các mô hình “dân vận khéo”

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bám sát những nhiệm vụ quan trọng để cụ thể hóa thành việc làm thiết thực, tập trung vào việc còn khó khăn, tồn đọng, Nhân dân đang quan tâm, đó là kinh nghiệm rút ra từ phong trào thi đua dân vận khéo tại quận Tây Hồ, thực hiện lời Bác Hồ dặn.

Du khách nước ngoài thưởng lãm quất cảnh nghệ thuật ở làng nghề trồng quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: Phan Hậu
Đa dạng cách tuyên truyền, chú trọng kiểm tra
Với 92 tổ dân vận tại quận, để tuyên truyền sâu rộng phong trào thi đua dân vận khéo, Ban Dân vận Quận ủy đã hướng dẫn các cấp ủy tổ chức nhiều tọa đàm trao đổi kinh nghiệm triển khai thi viết về tấm gương dân vận khéo, tổ chức hội thi dân vận khéo bằng nhiều hình thức sân khấu hóa. Từ năm 2009 đến nay, quận đã tổ chức 4 cuộc thi dân vận khéo ở cấp phường, cấp quận, thu hút rất nhiều người dân đến xem, qua đó chuyển tải được nhiều nội dung phong trào, cách làm hay, mô hình thực tế các địa bàn. Nội dung triển khai bám sát 4 nội dung lớn của phong trào là kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị; được cụ thể hóa bằng những mô hình người thật, việc thật, phục vụ chính nhiệm vụ của địa phương.
Hằng năm, quận căn cứ yêu cầu chủ đề công tác của TP để có bổ sung phù hợp vào nội dung phong trào tại quận. Như năm 2018, chủ đề “Năm trật tự văn minh đô thị” được quận triển khai gắn với các mô hình khéo trong vận động Nhân dân các phường xây dựng ngõ văn minh đô thị, tuyến đường kiểu mẫu. Năm 2019, quận lại thực hiện phong trào gắn với “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị”, “Năm Dân vận chính quyền”, trong đó triển khai sâu rộng tới chính quyền các phường tăng cường dân vận trong cải cách hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân.
“Mỗi năm, Ban đều có gợi ý để đăng ký nội dung cho phù hợp, tạo lan tỏa trong cộng đồng; mỗi quý hướng dẫn nội dung sinh hoạt cho các tổ dân vận, lồng ghép vào các nội dung phong trào dân vận khéo. 100% tổ đã đăng ký các mô hình, hướng vào những nội dung người dân quan tâm, bức xúc để thực hiện cho tốt, như trật tự đô thị, VSMT, GPMB... Để nâng cao chất lượng, chúng tôi rất coi trọng kiểm tra, đánh giá; hằng năm thành lập các tổ công tác xuống cơ sở kiểm tra những mô hình điển hình có việc làm cụ thể ra sao, có được người dân ghi nhận; qua đó đề xuất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận khen thưởng, nhân rộng”- Trưởng ban Dân vận Quận ủy Trần Thị Thu Hường cho hay.
Chuyển biến nhận thức của người dân
Qua thời gian triển khai, nhiều mô hình điển hình dân vận khéo ở Tây Hồ đã đem lại hiệu quả tích cực không chỉ trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn làm chuyển biến rõ nhận thức của người dân. Để phát triển kinh tế, quận chú trọng tuyên truyền chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh. Như với nghề trồng quất cảnh Tứ Liên, các tổ dân vận đã vận động người dân chuyển đổi hiệu quả từ trồng cây truyền thống sang cây bonsai, vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa nhẹ nhàng trong kinh doanh phục vụ dịp Tết; thu hút hàng trăm thanh niên có việc làm trên địa bàn. Với nghề làm xôi Phú Thượng, quận tuyên truyền Nhân dân chú trọng phát huy giá trị truyền thống làng nghề, góp phần giúp làng vừa được công nhận làng nghề truyền thống của TP. Về văn hóa xã hội, nổi bật là mô hình dân vận khéo xây dựng “sân chơi yêu thương” cho trẻ tại các phường, “công chức áo xanh” giúp người dân thực hiện tốt TTHC theo dịch vụ công trực tuyến…
Đáng chú ý, lĩnh vực cải cách hành chính có rất nhiều cách làm dân vận khéo hiệu quả cao: Công dân đến làm thủ tục khai sinh, kết hôn thì phường có thư chúc mừng, mặt sau tuyên truyền thực hiện cưới văn minh; công dân nhận giấy khai sinh thì được kèm lịch tiêm cho trẻ; công dân nhận khai tử cho người nhà thì được kèm thư chia buồn, hướng dẫn thực hiện tang văn minh… Cũng nhờ đó góp phần 10 năm qua, từ tỷ lệ hung táng rất cao thì năm 2019 tỷ lệ hỏa táng đã đạt trên 95%. Đặc biệt, thi đua dân vận khéo góp phần giải quyết không ít vấn đề khó khăn ở cơ sở. Ở quận có trên 50 dự án phải GPMB, trong đó dự án lớn Tây Hồ Tây lên tới hàng nghìn hộ dân phải di dời nhưng không hề phải cưỡng chế, mà thông qua vận động, các hộ đều tự nguyện bàn giao mặt bằng.
“Phong trào đã góp phần giúp Đảng, chính quyền, đoàn thể gần dân hơn. Chúng tôi tự rút ra bài học quan trọng là việc xây dựng triển khai các mô hình không sa vào hình thức mà tập trung vào việc còn khó khăn, tồn đọng, đang được người dân quan tâm; việc kiểm tra, giám sát, đánh giá, đề nghị công nhận mô hình điển hình phải được làm thực chất, có tiêu chí đánh giá thực sự có tác dụng lan tỏa, được Nhân dân ghi nhận không...”- bà Trần Thị Thu Hường chia sẻ. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần