Quán triệt các điểm mới quan trọng trong 19 luật, nghị quyết của Quốc hội

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. 

Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Tại các điểm cầu có các Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; đại diện Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân...

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì tại điểm cầu Thành phố Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ  họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ  họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi 

Quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm của 9 luật, 10 nghị quyết

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Hội nghị tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu của 9 luật và 10 nghị quyết.

Hội nghị nghe 2 báo cáo quan trọng, gồm: Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, chủ yếu trong việc triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV; Báo cáo của Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Hội nghị cũng nghe một số báo cáo tham luận về công tác chuẩn bị giám sát và một số nội dung thuộc trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các luật, nghị quyết...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Quochoi
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Quochoi

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 19 luật, nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng. 

Khái quát những nội dung mới, nổi bật của cả 9 luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các luật đã được Quốc hội thông qua đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện thể chế, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, rào cản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, không phân biệt, đối xử giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, giữa các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả quản lý nhà nước, thể hiện rất cụ thể trong nhiều quy định của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Căn cước số 26/2023/QH15 và các luật khác. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi

Các luật đã được Quốc hội thông qua đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước, trong đó làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của trung ương, thực hiện việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ nhưng gắn với đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì cũng như có các cơ chế phù hợp giữa các cơ quan chuyên môn có liên quan kiểm soát, giám sát cụ thể, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu tổng hợp thống nhất, kết nối, chia sẻ. 

Các luật, nghị quyết được dư luận xã hội đánh giá cao

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các luật đã được Quốc hội thông qua đáp ứng kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra, bảo đảm nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bổ sung các quy định để nội luật hóa các điều ước quốc tế, bảo đảm phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong các hoạt động có liên quan, đáp ứng yêu cầu chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo đúng chủ trương của Đảng.

Cùng đó, các luật và nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua được dư luận xã hội đánh giá cao, trong đó có nhiều ý kiến của chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá cao cả về quá trình, cách thức hoàn chỉnh dự thảo, thời điểm xem xét, biểu quyết thông qua. Các nội dung của các luật bước đầu nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, nhất là đối với những nội dung trọng tâm, những quy định mới. Đồng thời kỳ vọng các quy định này được các cơ quan triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Điều rất quan trọng tiếp theo là việc tổ chức triển khai cần phải được tiến hành rất khẩn trương, đồng bộ, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đưa các quy định mới của luật đi vào thực tế và phát huy tác dụng trong cuộc sống. 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quochoi
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quochoi

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, tiếp tục ban hành và triển khai các kế hoạch cụ thể để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, nhất là các chính sách, quy định mới, đặc thù, các chính sách, quy định có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với gần 400 nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời, cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, thực hiện phân cấp, phân quyền theo đúng quy định; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cả về nguồn nhân lực, điều kiện bảo đảm. Tăng cường công tác tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định…

Tập trung triển khai các luật

Về một số yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể cần tập trung triển khai, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Đối với việc triển khai Luật Căn cước, khẩn trương thiết kế, hoàn thiện mẫu thẻ Căn cước, giấy chứng nhận căn cước, Căn cước điện tử, các biểu mẫu, giấy tờ liên quan; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định. Cùng đó, xem xét đầu tư máy móc, phương tiện, trang thiết bị cần thiết và tổ chức tập huấn, vận hành hệ thống kỹ thuật phục vụ cấp thẻ Căn cước, giấy chứng nhận căn cước, Căn cước điện tử để kịp thời triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực, quy định chi tiết các nội dung được Luật giao.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thành phố Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thành phố Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái

Đối với việc triển khai Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự: Khẩn trương xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chí, danh mục, phân loại công trình quốc phòng, khu quân sự; hướng dẫn chế độ quản lý, bảo vệ, sử dụng từng loại công trình quốc phòng, khu quân sự; ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các nội dung được Luật giao.

Đối với việc triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Khẩn trương thiết kế mẫu trang phục, phù hiệu, giấy tờ, trang thiết bị cho lực lượng và biểu mẫu, giấy tờ phục vụ hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, tổ chức giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để Nhân dân, các cơ quan, tổ chức nắm rõ và thực hiện; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng; tập huấn đối với chính quyền địa phương cấp xã về tổ chức tuyển chọn, công nhận, thành lập, quản lý, sử dụng lực lượng…; quy định chi tiết các nội dung được Luật giao.

Đối với việc triển khai Luật Đất đai: Khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định về 104 nội dung Luật giao Chính phủ, các Bộ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Trong quá trình ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đề nghị Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với một số nội dung tại các báo cáo số 678/BC-UBTVQH15 ngày 02/11/2023 và Báo cáo số 724/BC-UBTVQH15 ngày 14/01/2024.

Cùng đó, khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật khác có liên quan để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai năm 2024 và 8 luật được sửa đổi, bổ sung tại Mục 1 Chương XVI của Luật Đất đai năm 2024 (Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp).

Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, đồng thời kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước (Quang cảnh điểm cầu Thành phố Hà Nội). Ảnh: Hồng Thái
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, đồng thời kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước (Quang cảnh điểm cầu Thành phố Hà Nội). Ảnh: Hồng Thái

Đối với việc triển khai Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản: Khẩn trương xây dựng và ban hành các nghị định, quyết định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm phù hợp với quy định của luật và thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy định chi tiết.

Đối với việc triển khai Luật Tài nguyên nước: Khẩn trương xây dựng văn bản có nội dung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm an toàn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng và ban hành Chiến lược tài nguyên nước quốc gia. Cùng đó, lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; xác định, công bố chức năng nguồn nước đối với các nguồn nước mặt liên tỉnh; tổ chức lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi; tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định và các việc khác theo các nội dung được Luật giao.

Đối với việc triển khai Luật Viễn thông: Khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với gần 30 nội dung giao Chính phủ, các Bộ quy định; lưu ý việc bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng trong hoạt động viễn thông; việc quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ mới, mô hình mới trong hoạt động viễn thông; việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet; thúc đẩy các dịch vụ mới phát triển, bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh…

Đối với việc triển khai Luật Các tổ chức tín dụng: Khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản đối với 19 nội dung Luật giao Chính phủ quy định, 1 nội dung giao Thủ tướng Chính phủ quy định và 82 nội dung giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

Đối với việc tiếp tục triển khai các nghị quyết được ban hành tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV: Tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp, nhiệm vụ, yêu cầu được quy định trong từng nghị quyết; trong đó, đặc biệt lưu ý những nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2024 hoặc cần báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 7.

Đối với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố, khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội. Chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nội dung các văn bản thuộc lĩnh vực chức năng được giao. Tập trung chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn việc thực hiện, có giải pháp quyết liệt nhằm triển khai quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội…