Quan trọng vẫn là ý thức

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hành vi xả rác bừa bãi, không đúng nơi đúng nơi quy định đã trở thành căn bệnh mạn tính của không ít người. Còn nhớ, khi Nghị định 155/2016/NĐ-CP ra đời, thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhiều người cho rằng với mức xử phạt cao hơn nhiều lần, ví như chỉ vứt rác bừa bãi nơi công cộng có thể bị phạt tới 7 triệu đồng, sẽ đủ răn đe đối với những hành vi thiếu ý thức, xả rác không đúng quy định tồn tại bấy lâu nay.

Thu gom rác thải trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Thậm chí, người ta còn kỳ vọng với chế tài mới, mức xử phạt cao chẳng bao lâu Việt Nam sẽ sớm trở nên sạch sẽ như… Singapore. Kỳ vọng này không phải không có lý, bởi trước đó khi truyền thông liên tục phát đi những tin tức về tình trạng xả rác nơi công cộng, nhất là nơi diễn ra các sự kiện, hoạt động đông người, câu chốt vẫn có ý “đổ tội” cho chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, chưa đánh vào ví tiền của người vi phạm nên ý thức vẫn chưa được “thức tỉnh”.

Có lẽ bởi thế, khi Urenco Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm ghi hình, xử lý các trường hợp xả rác không đúng quy định trên phố đi bộ Hồ Gươm vào đầu năm 2019, với mức phạt cho người vi phạm đầu tiên là 7 triệu đồng đã khiến không ít người lại giật mình, phải ngầm điều chỉnh hành vi. Các quán ăn, nhà hàng xung quanh khu vực cũng dần chấm dứt tình trạng vứt rác bừa bãi. Người dân và du khách khi tới phố đi bộ Hoàn Kiếm cũng đã có ý thức hơn rất nhiều trong việc bỏ rác của mình. Tuy nhiên, đáng tiếc là qua thời gian, việc xử phạt rồi cũng đuối dần vì không đủ nhân lực, vật lực nhưng hành vi vứt rác không đúng quy định thì vẫn còn.

Nay, Nghị định 155/2016/NĐ-CP lại được thay thế bởi Nghị định 55/2021/CP-CP (thực ra là được sửa đổi bổ sung một số điều )sẽ có hiệu lực từ 10/7/2021. Điều khá bất ngờ, ấy là quy định mới giảm đáng kể mức phạt với một số hành vi vi phạm về môi trường nơi công cộng. Cụ thể, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ chỉ phạt 100.000 - 150.000 đồng, trong khi mức phạt hiện nay (theo Nghị định 155) từ 500.000 đến 1 triệu đồng; hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định, thay vì phạt 1 - 3 triệu đồng như hiện nay thì sắp tới chỉ phạt 150.000 - 250.000 đồng. Hành vi vứt rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định sẽ phạt 500.000 - 1 triệu đồng, trong khi hiện nay phạt 3 - 5 triệu đồng.

Như vậy, sau bao nỗ lực, kỳ vọng về một chế tài đủ sức răn đe cho vấn nạn xả rác vô tội vạ nơi công cộng thì nay, chế tài ấy đã gần như quay về với quy định xưa cũ là Nghị định 179/2013/NĐ-CP. Điều này chứng tỏ, hành vi vi phạm không phụ thuộc ở những chế tài với mức phạt bằng tiền mà ở tâm thức. Vậy thì, ngoài biện pháp xử phạt hành chính nghiêm, có lẽ rất cần một hình thức xử lý đánh vào lòng tự trọng của mỗi người mới mong thay đổi nhận thức hành vi, ví như thực hiện biện pháp phạt lao động công ích (được xem là chế tài phạt bổ sung) đối với các hành vi lén lút vứt xả rác bừa bãi, hành vi gây ô nhiễm môi trường sống tại nơi công cộng, tại khu dân cư. Hiện một số nước đang áp dụng chế tài này đã cho thấy hiệu quả cũng như tính răn đe rất cao trong công tác xử lý vi phạm cũng như bảo vệ môi trường sống. Có như vậy, chúng ta mới ngăn chặn được “hành vi rác” từ tâm thức mỗi người.