Quảng Bình: Nông dân thấp thỏm lo vụ hoa Tết

Bùi Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, thế nhưng nhiều hộ gia đình chuyên trồng hoa tại Quảng Bình vẫn đang trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng về vấn đề đầu ra, giá thành sản phẩm.

Chỉ còn ít ngày nữa đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời điểm vụ mùa lớn nhất năm, tuy nhiên, thị trường hoa Tết tại Quảng Bình lại có phần ảm đạm. Dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, người dân lo lắng về vấn đề đầu ra, sức tiêu thụ của thị trường khiến sản lượng hoa bị sụt giảm nhiều so với những năm trước.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nông dân trồng hoa chủ động giảm sản lượng gieo trồng nhằm tránh rủi ro
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nông dân trồng hoa chủ động giảm sản lượng gieo trồng nhằm tránh rủi ro

Tại làng hoa Phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn những ngày này, không khí chuẩn bị vụ Tết khá đìu hiu, người nông dân rất lo lắng trước hàng hoá mà họ sản xuất ra. Nhiều nhà vườn chủ động giảm sản lượng gieo trồng, tránh việc ế khách dẫn đến thua lỗ.

Gia đình ông Ngô Minh Năng (thôn Trường Sơn, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồ) là một trong những hộ dân trồng hoa nổi tiếng với sản lượng lớn của vùng, nhưng năm nay gia đình ông đã cắt giảm hơn một nửa năng suất bởi lo sợ không có đầu ra cho sản phẩm.

Ban đêm người dân thường bật điện để đảm bảo ánh sáng phù hợp, điều chỉnh thời gian cho hoa nở đúng dịp
Ban đêm người dân thường bật điện để đảm bảo ánh sáng phù hợp, điều chỉnh thời gian cho hoa nở đúng dịp

“Ngoài trồng các loại hoa cúc truyền thống, gia đình tôi năm nay còn trồng thêm hoa ly và một số loại rau củ quả. Năm 2020 gia đình tôi trồng 10.000 cây hoa cúc thì năm nay chỉ trồng vỏn vẹn 4.000 cây. Bởi lo sợ dịch Covid - 19 khiến mức tiêu thụ giảm nên tôi không dám trồng nhiều, mọi năm đây là khoảng thời gian tất bật của vụ mùa nhưng giờ thì lại trống vắng, không thấy thương lái nào đến thu mua”, ông Năng cho biết.

Ngoài những tác động nặng nề bởi dịch bệnh, thì thời tiết năm nay cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ mùa gần như thất thu.

Bà Ngô Thị Thí (thôn Trường Sơn, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn), người có thâm niên hơn 25 năm trong nghề trồng hoa chia sẻ, qua nhiều năm trong nghề, riêng năm nay có thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường khiến cây hoa không thể phát triển được chiều cao như mong muốn.

“Với gần 5.000 cây hoa cúc trồng được thì năm nay tôi bán tại vườn với giá 3.000 đồng/cây, tuy giá thấp nhưng đến cận Tết vẫn chưa có thương lái nào đến thu mua. Cứ như thế này mà đến 25 Tết thì buộc nhà vườn chúng tôi phải hạ giá thành mới có thể bán hết hoa để vào vụ mới. May mà gia đình tôi trồng ít, chứ trồng nhiều như mọi năm là nguy cơ lỗ nặng là rất cao”, bà Thí nói.

Cuối năm, nhưng nhiều vườn hoa tại làng hoa phường Quảng Long vẫn vắng thương lái
Cuối năm, nhưng nhiều vườn hoa tại làng hoa phường Quảng Long vẫn vắng thương lái

Bên cạnh nỗi lo về đầu ra, người nông dân còn tỏ ra ngán ngẩm trước giá cả thị trường. Giá thành năm nay có phần sụt giảm so với những năm trước, cùng với đó, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại tăng cao, khiến người dân như ngồi trên đống lửa.

Ông Ngô Văn Sáu - Chủ tịch UBND phường Quảng Long cho biết: Toàn phường có khoảng 13 ha với khoảng 75 hộ dân trồng hoa. Việc người dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa phù hợp với chất đất pha cát của địa phương đã mang lại thu nhập gấp 5-6 lần so với trồng các loại cây khác. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện và có các chính sách hỗ trợ người dân để mở rộng thêm diện tích trồng hoa và các loại cây trồng khác”.

Trước những tác động của thiên tai, dịch bệnh và những khó khăn của thị trường, nhưng nông dân trồng hoa Tết tại Quảng Bình vẫn tỉ mẫn chăm bón để cung ứng cho người tiêu dùng những bông hoa đẹp nhất, chất lượng nhất, mang hương vị Tết đến với mọi nhà.