Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Quảng cáo sính ngoại và nỗi buồn tiếng Việt] Bài 2: Cổ súy tiếng Anh quá đà!

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Khi đến một nơi xa lạ nào đó, cánh cửa đầu tiên để du khách tiếp xúc, làm quen với đất nước mới lạ bắt đầu từ khách sạn, nhà hàng, chợ và sản vật vùng miền. Thế mà, tên khách sạn của người Việt, trên đất Việt nhưng hoàn toàn không thấy bóng dáng tiếng Việt” - PGS.TS Phạm Văn Tình – Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết.

Mất bản sắc từ mặt tiền đô thị
Khảo sát các khách sạn, nhà nghỉ gần khu vực hồ Hoàn Kiếm bằng cách tra thông tin trên Google cho ra kết quả hàng trăm địa chỉ trong một khu vực diện tích chẳng lớn là bao nhiêu. Điều ngạc nhiên hơn cả là gần như tất cả các khách sạn của quận Hoàn Kiếm đều mang tên Tây: Moonshine Palace (Bát Đàn), Golden Plaza (Hàng Trống), Golden Lake (Hàng Mành), Luxury (Phủ Doãn), Mike’s Amazing (Hàng Phèn), Sunshine 1, Sunshine 3 (Mã Mây), Triumphal, Rising Dragon 2 (Hàng Gà), Prince II (Hàng Giầy), Astoria (Hàng Bông), Lucky Star (Bát Đàn), Asia Palace (Hàng Tre), Paramount (Ngõ Huyện), Asian Ruby (Tạ Hiện), Indochina (Lò Sũ)...
 Khách sạn tên nước ngoài bao quanh các con phố gần Hồ Gươm, khu trung tâm Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú
Còn rất nhiều khách sạn nữa và điều dễ nhận ra là tất cả các tên này đều là tiếng Anh. Không chỉ tên khách sạn, mà tên công ty, khu đô thị ở Hà Nội đều được dùng tiếng nước ngoài. Ví dụ như công ty thì có Công ty Công nghệ sáng tạo Kaizen Innotek, Công ty TNHH Imagine Desire… quán cà phê thì có 4You, Seven, Newstyle… Khu đô thị thì có EcoPark, GreenPark, GenMack, Riverside villa, Garden Riverside Villas, Royal city, Mandarin Garden…
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình – Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam: Ở rất nhiều nước trên thế giới và ngay các nước cạnh ta (Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia), tên hàng hóa, thương hiệu nếu chỉ dùng một thứ tiếng thì phải là bản ngữ, nếu thêm tiếng nước ngoài (thường là tiếng Anh) thì phải đặt phía sau, cỡ chữ nhỏ hơn.
Thực tế ở Việt Nam, xu hướng Anh hóa mẫu mã, thương hiệu Việt đang lấn át mọi xu hướng khác. Ngoài ra, PGS.TS Phạm Văn Tình còn nhớ, doanh nhân kinh doanh hàng hải thế kỷ XX Bạch Thái Bưởi đều lựa chọn các cái tên gợi nhớ cội nguồn dân tộc như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi…, để đặt cho các con tàu của mình.

Nếu ai đã từng đọc bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ sẽ thấy trong mỗi người Việt, cần lắm tình yêu với ngôn ngữ mẹ đẻ: “Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?/Ai ở phía bên kia cầm súng khác/Cùng tôi trong tiếng Việt quay về/Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn…”.

Trên tinh thần “ta về ta tắm ao ta”, Bạch Thái Bưởi đưa ra lời kêu gọi hàm chứa tinh thần dân tộc, yêu nước, yêu đồng bào đã trở thành slogan cho các cuộc cạnh tranh giữa giới chủ người Việt với giới chủ tư bản người Hoa, người Pháp là “Người Việt Nam, đi tàu Việt Nam”.
Các học giả, nhà văn, nhà báo lão thành đã nhận định rằng đây là tiền ý của câu nói sau này chúng ta thường dùng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Và tinh thần Việt Nam của Bạch Thái Bưởi biểu hiện đầu tiên từ tên gọi của những con tàu cho đến chiến lược kinh doanh.
Còn bây giờ, nhiều người, nhiều DN Việt Nam có xu hướng sính ngoại nên quên đi bản sắc của dân tộc. KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đặt câu hỏi: Tại sao các ông chủ của các dự án như EcoPark, GreenPark, GenMack, Riverside villa, Garden Riverside Villas, Mandarin Garde… là người Việt xây dựng nhưng lại không thể dùng các cái tên như Lạc Hồng, Âu Cơ… hoặc chọn một tên lịch sử, tên địa danh, tên loài cây, loài hoa thuần Việt để thay cho tên nước ngoài?
“Là chuyên gia đô thị, tôi rất buồn khi thấy các quảng cáo: Đô thị châu Âu giữa lòng Hà Nội. Những quảng cáo như thế này cực kỳ nguy hiểm. Chúng ta đang làm mất bản sắc, mất niềm tự hào của dân tộc. Bác Hồ từng dạy: “Tiếng Việt còn là dân tộc mình còn, nước non mình còn”. Vậy tại sao giữa Thủ đô Hà Nội – TP vì hòa bình nhưng biển quảng cáo và khu đô thị toàn tiếng Anh? Có bao giờ các nhà quản trị đô thị có suy nghĩ gì về điều này?” – KTS Phạm Thanh Tùng bày tỏ.
Tiếng Việt phải được tôn vinh
Rất nhiều du khách nước ngoài hết sức ngỡ ngàng vì hiện tượng người Việt sính đặt tên tiếng Anh. Smetanin - du khách người Nga cho biết: “Ở Nga có lúc cũng rộ lên phong trào “sùng bái tiếng Anh” nhưng hiện tại đã giảm đi nhiều. Bởi nước Nga yêu cầu tên thương hiệu phải được đặt trong khuôn khổ pháp lý và phần nữa là DN tự thấy “ngượng” vì sự cổ súy cho tiếng Anh quá đà của mình”.
 Rất nhiều các dự án bất động sản do các chủ đầu tư người Việt xây dựng nhưng kèm theo tên nước ngoài.

Còn ở Việt Nam, việc sính tiếng Anh vẫn “trăm hoa đua nở”. Trong khi đó, vì dùng tiếng nước ngoài tùy tiện nên nhiều lỗi trong các biển hiệu, chỉ dẫn, thực đơn ở các nhà hàng sai về chính tả, sai về ngữ nghĩa. Cụ thể: Người ta hay kể cho nhau nghe một giai thoại, vào buổi sáng nọ, một người Việt hăm hở dẫn một cô gái nước ngoài tới nhà hàng đặc sản.
Chưa bước vào, mới đọc biển hiệu, cô gái Tây kia đã hốt hoảng quay đầu ra và nói “Sao bạn lại dẫn tôi vào đây? Tôi đâu có ăn những thứ này?”. Hóa ra, vì tấm biển quảng cáo “My Dung Restaurant” khiến cô khách Tây quyết rút bước, quay đi. Tiếng Anh “My Dung” có nghĩa là “phân của tôi”. Chủ nhà hàng người Việt tên Mỹ Dung chỉ đơn thuần muốn Tây hóa cửa hàng mà không hiểu nghĩa của từ trên.
Theo các chuyên gia, Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam, trong quảng cáo, tiếng Việt phải được tôn vinh. Mặc dù chúng ta đang quốc tế hóa nhưng không có nghĩa tiếng Anh được phép to hơn tiếng Việt trên bình diện thể hiện. Thực tế chứng minh, không cứ phải tiếng Anh, cửa hàng mới đông khách. Cụ thể như cà phê Huân, cà phê Mai… nhưng khách Tây, khách ta vẫn đến nườm nượp. Món nộm bò khô trên phố cổ, gần Bờ Hồ giản dị các biển quảng cáo tiếng Việt nhưng mở ra là kín ghế ngồi.
PGS.TS Phạm Văn Tình bày tỏ: “Chúng ta đang kêu gọi mọi người hưởng ứng phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đó là một phong trào hay. Thiết nghĩ, tiếng Việt cũng cần phải coi là một “hàng Việt Nam” thứ thiệt. Bởi ngôn ngữ chính là mặt biểu hiện sinh động nhất, là đặc trưng văn hóa, là niềm tự hào của mỗi quốc gia. Đừng vì sính tiếng ngoại mà đánh mất ý thức tự tôn dân tộc rất đáng trân trọng này”.

"Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp; đẹp như thế nào, đó là điều khó nói. Chúng ta không thể nói tiếng đẹp như thế nào cũng như ta không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên. Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta, tiếng nói của quần chúng Nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn..." - Trích trong bài nói  “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (năm 1966)

(Còn nữa)